Để giáo dục nhân cách và lối sống, trong giai đoạn hiện nay, các tác phẩm văn học nghệ thuật cần tiếp tục phát huy sức mạnh vốn có, chắt lọc từ lịch sử vẻ vang của dân tộc để xây dựng những câu chuyện, hình tượng nhân vật hấp dẫn người xem, qua đó nêu những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Phan Hoàng
Trong hai ngày (3-4/10), tại TPHCM, Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam”. Nguyên Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu và trên 200 đại biểu là các học giả, những nhà quản lý, văn nghệ sĩ trên cả nước dự hội thảo.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, hiện nay trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chức năng giải trí đang có xu hướng lấn át chức năng giáo dục. Thực tế trong đời sống văn học, hiện có rất ít những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, giáo dục cao, phần lớn chỉ tập trung chạy theo thị hiếu hoặc tập trung khai thác những sự kiện giật gân câu khách.
Đây là thực trạng báo động, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và nhân cách của thế hệ trẻ hiện nay.Theo NSND Đặng Nhật Minh, lớp trẻ đang bị bao vây bởi quá nhiều thứ văn hóa đầy tính bạo lực đã khiến cho con người bị lệch lạc về nhân cách và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động. Các đối tượng tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa, gây ra những vụ trọng án với các tình tiết thực hành tội phạm theo “mẫu” được miêu tả tràn lan trên phim ảnh, internet, mạng xã hội.
Ngoài ra, các tác phẩm văn học, nghệ thuật chưa tạo được sức hút đối với công chúng. Nhiều bộ phim đạt giải dù công chiếu miễn phí nhưng chỉ thưa thớt khán giả đến xem, trong khi dòng phim “thị trường” có doanh thu hàng chục tỉ đồng.
Còn trên thị trường xuất bản, tỷ lệ sách có nội dung về truyền thống cách mạng, giáo dục đạo đức còn rất thấp. Sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi nhiều nhưng đa phần là những ấn phẩm cẩu thả, thiếu tính giáo dục và chạy theo doanh số đơn thuần.GS.TS Đinh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhận xét nhiều người cầm bút chỉ coi văn học nghệ thuật là sự tự thể hiện không giới hạn cái tôi cá nhân, thỏa mãn nhu cầu giải trí tầm thường.Một nhà văn không thể tạo ra tác phẩm có giá trị giáo dục nếu tự mình không có tư tưởng trong sáng. Do đó, người nghệ sĩ cần luôn tự phấn đấu để hoàn thiện bản thân, qua đó tạo nên những tác phẩm có giá trị, cổ vũ con người vươn tới những giá trị nhân cách, đạo đức ấy, theo GS.TS Đinh Xuân Dũng.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Phan Hoàng
Nhận định các hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn học nghệ thuật hiện đang trong giai đoạn nhiều thử thách, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh đến việc chăm lo giáo dục, tập trung bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua các bài học, hình tượng rút ra từ truyền thống vẻ vang của dân tộc.Nguyên Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong giai đoạn đấu tranh cách mạng đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, có sức thu hút và có sức ảnh hưởng lớn, nuôi dưỡng ý chí cách mạng của cả một thế hệ trẻ Việt Nam.Để giáo dục nhân cách và lối sống, trong giai đoạn hiện nay, các tác phẩm văn học, nghệ thuật cần tiếp tục phát huy sức mạnh vốn có, chắt lọc từ lịch sử vẻ vang của dân tộc để xây dựng những câu chuyện, hình tượng nhân vật hấp dẫn người xem, qua đó nêu những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Nguyên Tổng Bí thư cũng đồng thời mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng về văn hóa, giáo dục, văn học, nghệ thuật đặc biệt quan tâm, xây dựng kế hoạch hành động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giới văn nghệ sĩ hoàn thành sứ mệnh “văn dĩ tải đạo”, qua đó cho ra đời những tác phẩm văn học, nghệ thuật thực thụ, có giá trị giáo dục cao.
Theo Phan Hoàng/chinhphu.vn