Cập nhật: 10/10/2015 16:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ đầu năm tới nay, nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đã “nóng” trở lại khi những bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm này chính thức ra mắt khán giả.

Một cảnh trong phim 'Quyên.' (Ảnh: Đoàn làm phim)

Đó là trường hợp của truyện dài “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Nguyễn Nhật Ánh), truyện ngắn “Người về bến sông Châu” (Sương Nguyệt Minh) và tiểu thuyết “Quyên” (Nguyễn Văn Thọ).

“Quyên”

“Quyên” là cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn chất liệu đời sống của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, ra mắt độc giả vào năm 2009. Tác phẩm lấy bối cảnh châu Âu trước và sau thời gian bức tường Berlin sụp đổ để dựng lại cuộc sống của người Việt xa xứ.

Cuốn tiểu thuyết kể về hành trình vượt biên từ Nga sang Đức theo chồng của Quyên - một cô gái gốc Hà Nội. Cuộc ra đi tìm miền đất hứa đã trở thành một hành trình gian nan, đầy bất trắc, kéo dài suốt 9 năm đằng đẵng với bao biến cố, khổ cực. Ở đó, Quyên được miêu tả là một phụ nữ đa đoan.

Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã chuyển thể tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Văn Thọ thành bộ phim điện ảnh cùng tên.

Trong khi văn học viết về người Việt xa xứ đã đạt được những thành tựu đáng kể với những dấu ấn đậm nét thì điện ảnh khai thác mảnh đề tài này vẫn khá trống vắng. Giữa bối cảnh đó, cộng thêm việc thị trường phim Việt tràn ngập những bộ phim được làm theo kiểu “fast food” đã khiến “Quyên” tạo được sự “tò mò” khá lớn với công chúng từ trước khi khởi chiếu chính thức vào tháng 6/2015.

Tuy nhiên, không ít người xem sau đó đã tỏ ra thất vọng với tác phẩm điện ảnh thứ ba của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình. Bởi lẽ, ngoài những cảnh quay đẹp thì phim “Quyên” chưa thể thực sự chạm tới cảm xúc của người xem do diễn xuất một màu, có phần khô cứng của những diễn viên “tay ngang” như Ngọc Anh…

Đạo diễn cố gắng tạo ra cho “Quyên” sự hòa trộn đặc biệt giữa vẻ lãng mạn với sự dữ dội, khốc liệt; giữa nỗi xót xa, đau đớn và cảm giác đầy bất an về thân phận chìm nổi của người Việt xa xứ với tình người, tình đồng bào giữa hoàn cảnh trái ngang. Tuy nhiên, kịch tính của phim chưa được đẩy tới cao trào

“Người về bến sông Châu”

Nhà văn Sương Nguyệt Minh sáng tác truyện ngắn này vào năm 1997. “Người về bến sông Châu” là câu chuyện về bi kịch của người phụ nữ thời hậu chiến.

Trong chiến tranh, Mây - nhân vật nữ chính là một y tá dũng cảm. Hòa bình lập lại, cuộc sống của Mây chất chồng những bi thương. Nỗi đau từ việc người yêu đi lấy vợ (do nhầm tưởng Mây đã hy sinh), nỗi ám ảnh về những đau thương của cuộc chiến mới qua, sự hy sinh của đồng đội… đã khiến Mây sống lặng lẽ, cô đơn trên chính quê hương mình.

Truyện ngắn này đã được đạo diễn Đặng Thái Huyền chuyển thể thành bộ phim “Người trở về.” Phim được công chiếu vào dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh vừa qua đã gây xúc động mạnh đối với khán giả.

“Người trở về” theo sát cốt truyện trong nguyên tác văn học. Thế giới nội tâm nhiều ẩn ức, dằn vặt của Mây đã được diễn viên Lã Thanh Huyền thể hiện khá thành công.

Thêm vào đó, nữ đạo diễn Đặng Thái Huyền đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt về hình ảnh khi để “Người trở về” có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình, cảnh khói lửa nơi chiến trường và hình ảnh tan hoang của làng quê thời hậu chiến… Từ đó, khán giả trẻ dễ hình dung hơn về những nỗi đau nối dài.

Người xem sẽ rất khó quên hình ảnh người cha ngã khuỵu xuống liên tục trước khi đặt tay lên khuôn mặt đứa con gái những tưởng đã hy sinh nơi chiến trường hay cảnh Mây ngồi khóc trong mưa, cô đơn chèo thuyền xoay vòng giữa dòng sông...

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính thức ra mắt độc giả từ cuối năm 2010. Với 81 chương ngắn, Nguyễn Nhật Ánh kể về thân phận con người trong kiếp sống nhọc nhằn qua lăng kính trẻ thơ.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không còn là thế giới trong veo của tuổi thơ như nhiều sáng tác khác của Nguyễn Nhật Ánh dù vẫn khá ngọt ngào và không thiếu những chi tiết ngộ nghĩnh.

Bên cạnh những lúc bật cười với không ít chi tiết hài hước (như bức thư tình đầu đời ngây ngô và khờ khạo của thằng cu Thiều), người đọc cũng sẽ có lúc cay cay nơi sống mũi với những mảnh đời ở một làng quê nghèo: một người mẹ lặn lội theo xe tải đi buôn củi, cốt chỉ để cho mâm cơm của các con có thêm phần cá, thịt; một người cha giả làm vua vì đứa con gái mắc bệnh tâm thần của ông luôn nghĩ mình là công chúa…

Truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh đã được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành bộ phim cùng tên, chính thức được công chiếu từ 2/10 và đang gây “bão” trong những ngày qua. Theo thông tin từ Nhà xuất bản Trẻ, cùng với “cơn sốt” phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,” tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh được in thêm khoảng 35.000 bản.

Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” theo khá sát diễn biến cốt truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tuy nhiên, Victor Vũ có sự tiết chế hơn ở nhiều chi tiết. Câu chuyện về lụt lội, đói nghèo… được đạo diễn kể lại qua nhiều lớp lang, uyển chuyển khiến người xem không mang nặng ám ảnh về cảm giác tan hoang, thê lương.

Nếu như Nguyễn Nhật Ánh đặt ra những vấn đề về cái ác, sự vô tâm một cách đậm nét thông qua việc cài cắm vào sáng tác của mình những nhân vật phản diện thì Victor Vũ lại truyền tải những điều này một cách nhẹ nhàng hơn. Những cảnh quay đẹp, lối diễn xuất tự nhiên, trong trẻo của ba diễn viên nhí đã chạm được tới cảm xúc của người xem./.

Theo AN NGỌC (VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/ba-tac-pham-van-hoc-duoc-chuyen-the-thanh-nhung-bo-phim-gay-bao/348371.vnp

Tệp đính kèm