Cập nhật: 16/10/2015 09:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lửa Thiện Nhân chiếu khai mạc LHP độc lập New York 2014, chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 3, nhưng khá im ắng cho tới tận khi chính thức ra rạp từ ngày 15/10.

Đạo diễn (bên phải) chụp ảnh với các nhân vật trong phim.

Hành trình của 77 phút

Câu chuyện về cậu bé Thiện Nhân bị bỏ rơi và bị động vật ăn mất một chân và bộ phận sinh dục cùng hành trình chị Mai Anh nhận nuôi bé từng gây sốt truyền thông một thời gian dài. Trước rừng thông tin, các phóng sự, phim ngắn về cậu bé này, tham vọng làm một bộ phim hiện thực quả thách thức với một đạo diễn lần đầu làm phim. Đặng Hồng Giang kể, năm 2006 anh còn làm báo phải bỏ dở dòng tin về cậu bé bị bỏ rơi, nhưng đến năm 2008 khi đang theo khóa học làm phim ở nước ngoài, những thông tin về chị Mai Anh nhận nuôi bé đã thôi thúc anh phải làm.

Anh bảo lúc đầu chưa định hình đường dây kịch bản, rồi nhận ra còn rất nhiều khoảng trống trong câu chuyện đẹp về chú lính chì Thiện Nhân. “Tôi quyết định lấy triết lý thiên định làm trục chính cho phim. Tôi trao đổi với anh Đoàn Tuấn, đồng biên kịch và anh đồng ý ngay”, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ. Theo đuổi dòng phim hiện thực, nhưng anh chọn một biên kịch phim truyện để “chất văn, chất lãng mạn” làm bộ phim hiện thực thêm tươi mới.

Đạo diễn không nói nhiều đến khó khăn, nhưng qua lời Mai Anh chia sẻ sau buổi chiếu cho báo chí sáng 15/10, hành trình này không dễ chịu chút nào. Hơn ba năm là khoảng thời gian đạo diễn đeo đuổi cùng các nhân vật, là hành trình theo Thiện Nhân và gia đình đến các bệnh viện khác nhau để khám, chữa bệnh. Mai Anh tỏ ý xin lỗi đạo diễn, vì trong lúc vừa phải chăm ba đứa con, vừa phải làm phim nên nhiều khi không tránh khỏi cáu gắt, cảm giác bực bội vì bị làm phiền.

“Mai Anh từng nhiều lần gắt, người ta làm vài ngày xong một bộ phim, sao mà anh làm hết năm này năm khác. Tôi cười, muốn làm một bộ phim tử tế, muốn tử tế thì không thể nhanh được”, đạo diễn nói. Nhiều khoảnh khắc vàng trong bộ phim này đến từ nguồn tư liệu quý giá gia đình cung cấp. Theo đạo diễn, một ngày đẹp trời gia đình trao cho anh ổ cứng dung lượng gần 1TB chứa toàn bộ tư liệu hình ảnh của Thiện Nhân từ khi được đón về Hà Nội, cho đến quá trình ra nước ngoài phẫu thuật, phải mất hơn nửa tháng xem và chắt lọc. Bản phim chiếu tại Việt Nam đã được biên tập lại về kỹ thuật, sau khi đạo diễn nhận nhiều lời đóng góp của đồng nghiệp ở LHP độc lập New York 2014.

Lan tỏa chuyện tử tế

Sau buổi chiếu cho báo chí, một nhà báo nữ nói rằng “Lửa Thiện Nhân xứng đáng là câu trả lời cho phim tài liệu Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy, rằng trên đời này vẫn còn sự tử tế”. Thầy giáo của Thiện Nhân cũng nói, Chuyện tử tế ăn sâu vào tâm thức từ khi còn là học sinh lớp 4, được người ông dắt đi xem, giờ đến Lửa Thiện Nhân. Có lẽ đó là những khán giả bị xúc động mạnh trước câu chuyện của cậu bé giàu nghị lực sống. Chính đạo diễn thừa nhận: “Có làm được câu chuyện đẹp hay không là do nhân vật của chúng tôi”. Phim còn những chỗ không hoàn hảo, nhưng người xem bị cuốn vào câu chuyện có cả tiếng cười lẫn nước mắt.

Đạo diễn bảo ban đầu định làm một phim nhỏ, nhưng khi gặp Thiện Nhân và gia đình thì “câu chuyện cứ nở ra mãi”. Câu chuyện không chỉ về cậu bé Thiện Nhân và hành trình để làm một cậu bé như người thường. Đặng Hồng Giang nói rằng, khi anh thắc mắc tại sao BTC lại chọn một câu chuyện Việt Nam chiếu khai mạc LHP độc lập New York, câu trả lời: đây là câu chuyện quốc tế. Bởi hành trình của Thiện Nhân chỉ là khởi đầu cho hành trình dài hơi, mở ra những thân phận của hàng nghìn đứa trẻ kém may mắn như em.

Nếu ai đó còn hoài nghi về lòng tốt trong xã hội hiện nay, khi xem phim sự nghi ngờ đó hẳn sẽ bớt đi. Mẹ nuôi của Thiện Nhân chẳng thể đơn thương độc mã chạy chữa cho con. Đạo diễn cũng áy náy vì trong phim chưa lột tả được hàng nghìn tấm lòng hảo tâm đóng góp cho Thiện Nhân, và quỹ Thiện Nhân giúp hàng trăm bé sau này.

Khán giả có thể thấy lòng tốt hiện diện xuyên suốt bộ phim. Đó là vợ chồng anh Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và chị Na Hương, không vắng mặt trong hành trình của mẹ con bé Thiện Nhân. Đặc biệt, là hình ảnh nhân từ của giáo sư, bác sỹ người Ý Roberto De Castro, trực tiếp phẫu thuật cho Nhân và hơn 100 đứa trẻ Việt Nam có lại cơ quan sinh dục bình thường. Ông đến Việt Nam bốn lần, không lấy đồng thù lao phẫu thuật nào, đã khám cho hơn 400 trẻ em, còn hứa không dừng lại. Số hồ sơ chờ của trẻ có nhu cầu khám chữa để có lại cơ quan sinh dục đã lên đến hơn một nghìn.

“Trong hành trình này nhiều lúc tôi thực sự mệt mỏi, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi mãi. Nhưng tôi vẫn cứ đi, con mình lo chưa xong lại bị đẩy vào hành trình giúp những đứa trẻ khác. Mẹ con tôi nhiều lúc muốn quỵ, mỗi lần như thế lại có người ủn mình lên”, Mai Anh nói. Những người làm phim hy vọng bộ phim này mang tính chất truyền thông đại chúng, để không chỉ có một bé Thiện Nhân được cứu giúp. Giáo sư Đinh Tuệ nói trong phim: “Từ một đứa trẻ phải chịu nhiều đau khổ như Thiện Nhân, nay có hàng trăm đứa trẻ được giúp, có thể là do ông trời đã tính trước như vậy”./.

Theo VOV.VN

Tệp đính kèm