Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Chiến lược phát triển các ngành kinh tế biển: Kinh nghiệm của Na Uy và triển vọng ở Việt Nam."
Hải sản đánh bắt trên biển được đưa lên bờ tiêu thụ. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam rất coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế biển; đánh giá Việt Nam và Na Uy có nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế biển đang trở thành một trong những xu hướng nổi trội của kinh tế thế giới,việc nâng cao năng lực cạnh tranh đi đôi với phát triển bền vững các ngành kinh tế biển là yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Quốc Vụ khanh Bộ Công Thương và Thủy sản Na Uy Dilek Ayhan cũng khẳng định phát triển kinh tế biển là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác Na Uy - Việt Nam, và mong muốn hai nước tiếp tục triển khai những hoạt động thiết thực để tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Trong bài trình bày của mình, giáo sư Torger Reve, Giám đốc Trung tâm Cạnh tranh Hàng hải - Trưởng khoa Chiến lược và Cạnh tranh Công nghiệp, Đại học Kinh doanh Na Uy, diễn giả chính của buổi Tọa đàm, đã chia sẻ những kinh nghiệm của Na Uy về đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế biển. Giáo sư cho rằng Na Uy đã nỗ lực tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến để có thể duy trì sức cạnh tranh trong bối cảnh có nhiều trung tâm mới đang nổi lên trong kinh tế biển, nhất là ở châu Á như Thượng Hải, Singapore…
Giáo sư Reve nhấn mạnh công nghệ không chỉ là các mô hình công nghệ mà còn bao gồm cả mô hình tổ chức kinh doanh. Việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển kinh tế biển.
Bên cạnh các ngành truyền thống như đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ven bờ, vận tải biển, du lịch biển, với công nghệ tiên tiến, hiện Na Uy đang phát triển các ngành mới như năng lượng tái tạo từ biển (gồm năng lượng gió, sóng biển, thủy triều, muối biển…), nuôi trồng thủy hải sản ngoài khơi, khai khoáng dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, khai thác và lưu trữ cácbon dưới biển (CCS)… Na Uy là một trong những nước đầu tiên trên thế giới đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp biển đẳng cấp thế giới và trung tâm tri thức toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế biển.
Tại Tọa đàm, các đại biểu thảo luận sôi nổi về thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam, các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành kinh tế biển của Việt Nam, cũng như tiềm năng và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực này.
Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi với giáo sư Reve về biện pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh tế biển, vai trò của chính phủ và doanh nghiệp trong nghiên cứu đổi mới và phát triển các cụm công nghiệp, xử lý hài hòa phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường…
Tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích và gợi mở nhiều cơ hội cho thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực kinh tế biển./.
Theo (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-bien-la-linh-vuc-uu-tien-trong-hop-tac-na-uyviet-nam/350516.vnp