Cập nhật: 26/10/2015 10:43:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ông Cao Sĩ Kiêm: Điểm nặng nề nhất làm cho năng suất lao động của ta thấp đó là chất lượng làm việc của các cơ quan công quyền

Cải cách hành chính sẽ giúp tăng năng suất lao động (Ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên VOV.VN bên lề kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định chất lượng làm việc của các cơ quan công quyền kém dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp.

Đào tạo nghề rồi để đó

Ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh có 3 lý do khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp. Thứ nhất, khoa học kỹ thuật và việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật của ta quá yếu quá. Những khoa học tiên tiến, hiện đại của thế giới ta không tiếp cận được.

Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện làm theo kiểu truyền miệng, còn đầu tư để khai thác, tiếp cận thì không có nhiều. Còn doanh nghiệp nhà nước thì “đụng đâu hỏng đó”, doanh nghiệp càng lớn thì “hỏng” càng nhiều.

Thứ hai là đào tạo của ta cũng yếu kém. Đào tạo tay nghề trình độ cao không có nhiều, chất lượng kém. Cụ thể như lĩnh vực nông nghiệp đào tạo rất nhiều, thậm chí phần nửa nông dân đi đào tạo nhưng về không phát huy được, không phục vụ cho hoạt động của địa phương. Khắp nơi đua nhau đào tạo nghề, trưng dụng người đi đào tạo nhưng xong rồi để đó, chẳng giải quyết được gì.

Thứ ba, việc tiếp cận bên ngoài của chúng ta cũng kém. Những người đi tiếp cận từ nước ngoài về thì không hành động, những người hành động thì không đi tiếp cận. Cứ làm theo kiểu “đàn sếu bay”, tức là một người làm theo cảm tính, người khác cứ theo sau làm nên khi "có chuyện" thì tất cả “bổ chửng” ra.

Mấu chốt là cải cách hành chính

Ngoài 3 yếu tố trên, ông Cao Sĩ Kiêm nhấn mạnh: Điểm nặng nề nhất làm cho năng suất lao động của ta thấp đó là chất lượng làm việc của các cơ quan công quyền.

Điển hình như việc phục vụ, dịch vụ, thủ tục giấy tờ nhiều quá mức; cán bộ hoạnh họe doanh nghiệp và người dân; tình trạng bớt xén quá nhiều… dẫn đến chi phí tăng lên không thể có vốn đầu tư, quảng bá thương hiệu để cạnh tranh.

“Tất cả trong vòng luẩn quẩn như vậy. Không có điều kiện làm sao có năng suất được? Muốn có năng suất phải sửa cả tư duy chính sách, phong cách hành động, lãnh đạo chỉ đạo của các cấp và nền hành chính và tư pháp của ta” - đại biểu Cao Sĩ Kiêm đề xuất.

Cũng theo ông Cao Sĩ Kiêm, vấn đề lương thấp là có thấp thật, không đủ tái tạo để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, nên hiểu giải quyết vấn đề tiền lương ở đây theo khía cạnh khác.

Ông Cao Sĩ Kiêm nói: “Người lao động muốn có tiền lương cao thì phải có năng suất cao. Thu nhập tăng thì cải thiện chính người lao động. Giờ miếng bánh cứ nhỏ dần mà đòi chia miếng to làm sao chia được. Do đó phải đi vào cái gốc của vấn đề”.

Thừa thầy thiếu thợ sẽ rất nguy hiểm

Trong khi đó, theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của quốc hội, nguyên nhân của tình trạng thiếu việc làm và thất nghiệp hiện xuất phát từ chất lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Điều này tác động đến việc hội nhập ASEAN vào cuối năm nay, cũng như thách thức khi Việt Nam gia nhập TPP. Mặc dù vậy, chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm của ta cao nhất trong khu vực (trên 18% so với khoảng 16%). Đây là biểu hiện của năng suất lao động thấp.

Về số lượng lao động qua đào tạo, theo Chính phủ là 51,6%, nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chỉ có 22%. Song điểm lưu ý là cơ cấu nguồn lao động của ta rất bất hợp lý: đại học 1, trung cấp chuyên nghiệp 1,3 nhưng công nhân kỹ thuật chỉ có 0,92.

Trong khi đó, cơ cấu hợp lý của quốc tế công nhân kỹ thuật phải cao hơn. Ở ta, đại học và trung cấp chuyên nghiệp rất cao, dẫn đến “nhiều thầy ít thợ”, nếu không điều chỉnh sẽ rất nguy hiểm./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm