“Công nghệ rẻ của Trung Quốc cộng với nhân công rẻ của Việt Nam, thấy cạnh tranh được cứ thế mà làm thì chết” - ĐBQH Đặng Ngọc Tùng phát biểu.
Ông Đặng Ngọc Tùng
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) chia sẻ: Trong kỳ họp tháng 9 vừa rồi của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trình bày là nếu Việt Nam duy trì năng suất lao động bình quân trong giai đoạn 2007 - 2012 như thế này thì đến năm 2038 năng suất lao động của chúng ta mới bắt kịp được Philippines, năm 2069 mới bắt kịp được Thái Lan.
“Tôi không biết các thành viên của Chính phủ ngồi đó suy nghĩ như thế nào, nhưng tôi thấy vừa xót xa và vừa tự ái dân tộc. Vậy năng suất lao động của chúng ta thấp như thế này có phải là trách nhiệm đổ hết lên đầu người lao động hay không? Hay do Chính phủ của chúng ta điều hành nền kinh tế? Đây là câu hỏi và tôi đề nghị với Chính phủ trong 5 năm tới phải giải đáp và phải làm cho thật tốt” - ông Đặng Ngọc Tùng nói.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng Năng phân tích: Năng suất lao động quốc gia hoàn toàn không phải phụ thuộc vào người lao động mà rất nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là công nghệ sản xuất, máy móc trang thiết bị đưa vào trong nền kinh tế.
Thứ hai là thể chế kinh tế của chúng ta, luật pháp có tạo thông thoáng hay không? Thứ ba là khả năng quản lý điều hành của các nhà điều hành của chúng ta có tốt chưa? Thứ tư là vấn đề tỷ trọng nông nghiệp ở trong cơ cấu kinh tế của chúng ta như thế nào...
Theo đại biểu, quan trọng nhất là công nghệ. “Chúng ta cứ lạm dụng nhân công giá rẻ mà nhập công nghệ lạc hậu vào thì làm sao nâng cao năng suất lao động. Do đó, tôi kiến nghị với Chính phủ là từ nay trở đi không nên nhập các công nghệ lạc hậu, vừa gây ô nhiễm và không nâng cao năng suất lao động. Mình cứ công nghệ rẻ của Trung Quốc cộng với nhân công rẻ của Việt Nam, thấy cạnh tranh được cứ thế mà làm thì chết đất nước này trong những năm tới” - ông Đặng Ngọc Tùng phát biểu.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thừa nhận: Năng suất lao động là một trong 9 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch của giai đoạn 2011 - 2015, vì chỉ đạt 22% trên kế hoạch là 29 - 32%. Đây là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững thực chất của nền kinh tế nói riêng cũng như đất nước nói chung.
Ông Đỗ Mạnh Hùng đưa ra 3 nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp. Một là do thiết bị và công nghệ lạc hậu. Rất nhiều doanh nghiệp của ta, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở trong tình trạng này. Thứ hai là quản trị doanh nghiệp. Ở rất nhiều doanh nghiệp và quản trị xã hội ở nhiều địa phương là yếu, kém. Thứ ba là tỷ lệ lao động được đào tạo và có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, chỉ đạt trên 20%. Nguyên nhân này cũng không phải hoàn toàn từ phía người lao động.
Từ 3 nguyên nhân trên, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị một số giải pháp như: Dứt khoát không nhập khẩu những thiết bị, công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu. Chú trọng đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả phát triển doanh nghiệp, quản trị xã hội.
Bên cạnh đó, có cơ chế công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân lực để đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh: Để gia tăng năng suất lao động đòi hỏi nâng cao trình độ lao động, sử dụng công nghệ cao, phát triển nguồn lực có hiệu quả gắn với thị trường quốc tế. Nâng cao năng suất lao động là động lực phát triển tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn. Xây dựng năng lực, phát triển công nghệ trong nước chính là chìa khóa cho quá trình phát triển và hội nhập bền vững./.
Theo PV/VOV.VN