Cập nhật: 05/12/2015 09:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và nhiều vụ án khác cho thấy một nghịch lý về sự “nhanh” “chậm” trong quá trình bắt giam kết tội oan người vô tội với quá trình xem xét minh oan cho họ.

Ông Huỳnh Văn Nén và gia đình nghe xin lỗi công khai. (Ảnh: Việt Quốc)

Sau hơn 17 năm bị tù oan về tội giết người và cướp tài sản, ông Huỳnh Văn Nén trú tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận chính thức được minh oan. Câu chuyện kêu oan gần hai thập kỷ của người tù này sẽ còn được nhiều người nhắc lại.

Thế nhưng, đằng sau vụ án oan này cũng như một số vụ án oan sai khác cho thấy việc điều tra xem xét giải quyết minh oan cho người bị oan trong tố tụng hình sự diễn ra quá chậm chạp và khó khăn?

Việc ông Huỳnh Văn Nén vừa được trả tự do sau hơn 17 năm ở tù vì bị cho là hung thủ sát hại bà Lê Thị Bông, lại một lần nữa gây rúng động dư luận. Trước ông từng có nhiều người khổ sở, gia đình tan nát chỉ vì sai sót của các cơ quan tố tụng như ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, 7 thanh niên ở Sóc Trăng, hay ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai, ông Trần Văn Chiến ở Tiền Giang…Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ án oan này là do các điều tra viên đã sử dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra.

Nhìn lại hàng loạt vụ án oan chúng ta đều thấy ngay từ đầu những bị can, bị cáo đã kêu oan nhưng không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, họ chỉ được minh oan sau khi có thủ phạm đích thực ra đầu thú, hoặc đã bắt giữ được nghi can trực tiếp gây ra vụ án…Ông Huỳnh Văn Nén, ông Nguyễn Thanh Chấn phải sống cay đáng cơ cực trong tù từ 10 đến 17 năm mới được minh oan…

Theo ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Minh huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận - người kiên trì kêu oan cho ông Huỳnh Văn Nén: Việc minh oan cho ông Nén cũng như một số người bị oan khác là rất muộn, song họ có thể vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác và đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình Cải cách tư pháp ở Việt Nam.

“Công lý đến với ông Nén tuy có muộn nhưng phải nói rằng nhờ có sự đổi mới, đầy trách nhiệm của Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội, sự vào cuộc thiện chí có trách nhiệm của Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân Tối cao… Các cơ quan tố tụng Bình Thuận đã thấy được sai lầm mình gây ra cách đây hơn 17 năm… Công lý đến muộn nhưng dù sao cũng đã sáng tỏ. Đây cũng là bài học xương máu để sửa chữa những “khuyết tật” trong quá trình cải cách tư pháp…”, ông Nguyễn Thận nói. 

Có oan sai tất phải có người chịu trách nhiệm. Người bị oan tất yếu phải được bồi thường. Song từ vụ án oan Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và nhiều vụ án khác cho thấy một nghịch lý về sự “nhanh” “chậm” trong quá trình bắt giam kết tội oan người vô tội với quá trình xem xét minh oan cho họ.

Việc cơ quan điều tra bắt giam, buộc tội đối với một người về một tội phạm mà ngay từ đầu họ đã không thừa nhận hành vi phạm tội được tiến hành trong thời gian khá nhanh. Chẳng hạn trường hợp ông Huỳnh Văn Nén bị bắt và bị kết tội giết người chỉ diễn ra chưa đầy 2 năm kể từ khi vụ án xảy ra nhưng thời gian xem xét, minh oan cho ông kéo dài tới hơn 17 năm.

Vì sao khi bắt giữ kết tội một con người dù họ không thực hiện hành vi phạm tội lại diến ra nhanh mà quá trình giải quyết minh oan lại chậm trễ như vậy?

Trả lời câu hỏi này nhiều chuyên gia cho rằng: Vì thành tích phá án nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã rất tích cực thực hiện biện pháp kể cả bức cung, nhục hình, bỏ quên nguyên tắc suy đoán vô tội, mà chỉ thiên về nguyên tắc suy đoán có tội để buộc tội bằng được nghi can mình đã bắt…Còn việc xem xét minh oan thì không thể tiến hành mau lẹ như quá trình buộc tội, bởi cán bộ tư pháp có biểu hiện suy thoái đạo đức công vụ, vô cảm với dân, định kiến, ác cảm với tội phạm đến mức bất chấp các quyền hợp pháp của họ.

Luật sư Vũ Huyền Ngọc - Công ty Luật Hợp danh Anh Vũ Hà Nội cho rằng: “Việc xem xét giải quyết minh oan cho ông Huỳnh Văn Nén chậm vì họ sợ trách nhiệm. Khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà có quyết định cuối cùng họ không phạm tội thì sợ phải bồi thường oan sai…Thứ hai là do thái độ thiếu trách nhiệm, vô cảm của người và cơ quan tiến hành tố tụng”.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng hiện tồn tại thói quen suy đoán có tội, trọng cung hơn trọng chứng, lấy cung thay chứng. Và khi có dấu hiệu của oan sai thì chính các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm oan họ lại trực tiếp điều tra xác minh theo trình tự thủ tục bình thường. Với quy trình đó khó có thể minh oan nhanh cho người dân. Trong khi đó hệ thống kiểm tra chéo giữa cơ quan điều tra, kiểm sát hiện nay có hiệu lực không cao, thậm chí còn có biểu hiện bảo vệ bao che cho nhau…

Từ sự phân tích này, ông Trương Trọng Nghĩa đề xuất: Để tránh oan sai và tiến hành xem xét các vụ án có dấu hiệu oan sai một cách nhanh chóng hiệu quả thì cần phải có tổ chức độc lập với cơ chế giải quyết nhanh nhạy.

Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Phạm Minh Tuyên - Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh cho rằng, khi đã có đơn kêu oan, hoặc có dấu hiệu oan sai chúng ta cần phải nhanh chóng xem xét để kết luận nếu có oan phải minh oan cho họ một cách sớm nhất. Để giải quyết đơn thư kêu oan nhanh nên tổ chức một cơ quan tiếp nhận đơn, thông tin và tiến hành điều tra xác minh một cách độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu vẫn giao cho Công an, kiểm sát, tòa án xác minh và kết luận để minh oan thì chắc chắn là lâu hơn và khó đảm bảo khách quan.

“Khi có người kêu oan sai cần có cơ quan đặc biệt tiếp nhận vấn đề này và có quyền điều tra. Nếu không có cơ quan đặc biệt mà cứ giao cho công an, kiểm sát, tòa án, thường họ sẽ đùn đẩy, không xác minh mà chỉ thông báo là không có căn cứ. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén oan sai nếu không có người đầu thú thì công an có minh oan không…? Nếu có cơ quan đặc biệt độc lập thì không có gì khó xác định oan sai để minh oan cho họ…”, Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên phân tích.

Qua vụ án oan Huỳnh Văn Nén và một số vụ án oan khác nhiều người cho rằng chúng ta đang tích cực triển khai thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, nhưng đã có các vụ án oan, những cái chết do bức cung, những cuộc bắt bớ không cần lệnh được làm sáng tỏ ngày càng nhiều. Và những điều ấy từng bước đã được luật hóa như Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa qua của Quốc hội. Do vậy, điều cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh oan sai ngay từ khâu đầu tiên của tố tụng và của cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được nâng cao chất lượng./.

Theo Tiến Anh/VOV1.VOV.VN

Tệp đính kèm