Mặc dù mới hình thành và phát triển trong vài năm trở lại đây, nghiệp đoàn nghề cá ở các địa phương ven biển miền Trung thực sự trở thành "ngôi nhà chung" gắn kết ngư dân trên bờ cũng như trên biển.
Tham gia nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân đánh bắt theo
tổ, đội có tổ chức hơn trước đây. Ảnh: VGP/Thế Phong
Gắn kết ngư dân
Với kinh nghiệm 32 năm gắn bó với biển, ngư dân Lê Văn Chiến (tổ 10, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) hiểu rõ những khó khăn, nguy hiểm của nghề biển. Ông Chiến cho biết, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư leo thang... khiến hoạt động đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, rủi ro cao. "Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi rất cần có một chỗ dựa để yên tâm ra khơi".
Mong muốn của ông Lê Văn Chiến cũng là tâm tư, nguyện vọng của đông đảo chủ tàu cá, ngư dân và lao động biển. Đáp ứng nhu cầu chính đáng này, năm 2014, Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng đã có chủ trương thành lập nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) tại các địa phương nhằm tập hợp, gắn kết ngư dân khai thác trên biển, kịp thời hỗ trợ các chủ tàu, ngư dân gặp nạn.
Tự nguyện tham tham gia NĐNC phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) vào cuối năm 2014, ngư dân Lê Văn Chiến khẳng định: Sau khi tham gia NĐNC, các tàu thuyền, ngư dân hoạt động trên biển đoàn kết gắn bó hơn. Đánh bắt theo tổ, đội có tổ chức và thường xuyên thông tin liên lạc với nhau. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả trong việc khai thác hải sản mà còn kịp thời hỗ trợ nhau khi có trường hợp gặp nạn trên biển.
Ông Nguyễn Quang Hậu, Chủ tịch NĐNC phường Xuân Hà, cho biết: Hiệu quả bước đầu là nghiệp đoàn luôn làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước về đánh bắt hải sản ở vùng biển xa, chia sẻ giúp nhau khi bị nạn trên biển hoặc bị tàu nước ngoài đe doạ. Phối hợp hướng dẫn chủ tàu đánh bắt xa bờ làm thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền dầu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, tuyên truyền về Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản…
Nổi bật là trong năm 2015, NĐNC phường Xuân Hà phối hợp với Hội Nông dân, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn cho 34 chủ tàu và 200 ngư dân về thực hiện Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
“Qua buổi tập huấn, bà con ngư dân đã nắm được những nội dung quan trọng, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề chủ quyền biên giới, vùng biển đảo. Qua đó, mỗi ngư dân hiểu rõ khi đánh bắt trên biển phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật Việt Nam, không xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản”, ông Hậu chia sẻ.
Chăm lo tốt đời sống đoàn viên
Trong thời gian qua, NĐNC cũng đã thực hiện tốt vai trò chăm lo đời sống đoàn viên của mình thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể. Ông Nguyễn Quang Hậu cho biết: Vừa qua, có tàu cá của đoàn viên Nguyễn Nam và Trần Văn Minh bị nạn trên biển. Nghiệp đoàn đã kịp thời kêu gọi vận động hỗ trợ cho các trường hợp này hàng trăm triệu đồng. Những hỗ trợ kịp thời này thể hiện tinh thần đùm bọc, đoàn kết của nghiệp đoàn, qua đó kịp thời động viên các đoàn viên.
Ông Hoàng Hữu Nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng cho hay: Số lượng ngư dân tham gia các nghiệp đoàn ngày càng đông. Hiện nay, thành phố có 4 NĐNC, với 491 đoàn viên và 111 tàu cá đánh bắt xa bờ.
Các NĐNC sinh hoạt thường xuyên với các hoạt động như vận động chủ tàu, đoàn viên đóng góp quỹ “Mái ấm công đoàn”, tham gia lễ hội cầu ngư cũng như các hoạt động tuyên truyền về biển đảo. Qua sinh hoạt, các chủ tàu, ngư dân đã tích cực triển khai phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau hỗ trợ cứu nạn trên biển. Thông qua nghiệp đoàn, ý kiến phản ánh của bà con ngư dân cũng được ghi nhận, phản hồi kịp thời.
“Với vai trò là cầu nối giữa ngư dân với địa phương, đoàn thể, trong thời gian qua các NĐNC trên địa bàn Đà Nẵng đã đề xuất, vận động được trên 2 tỉ đồng hỗ trợ trực tiếp cho những đoàn viên nghiệp đoàn có cuộc sống còn khó khăn, trang bị thêm phương tiện đánh bắt hải sản. Đây là những động lực tích cực để bà con ngư dân vững tin vươn khơi”, ông Nghị chia sẻ.
Còn tại Quảng Nam, hoạt động của NĐNC cũng phát triển sôi nổi, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ. Đến nay, Quảng Nam đã có 8 NĐNC với trên 1.500 đoàn viên. Số lượng đoàn viên xin tham gia NĐNC ngày càng gia tăng.
Ông Hồ Thanh Hưởng, Chủ tịch NĐNC xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), cho biết trước đây, mỗi khi ngư dân gặp khó khăn, gặp nạn không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ, thông qua nghiệp đoàn, bà con được Liên đoàn Lao động các cấp quan tâm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp… nên số lượng ngư dân tự nguyện xin gia nhập nghiệp đoàn ngày càng đông.
Hiện tại, NĐNC xã Bình Minh đã tập hợp được 129 tàu cá nhằm đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trên ngư trường, giải quyết ổn thỏa việc tranh chấp lao động đi biển. Ngay sau khi thành lập, nghiệp đoàn đã phối hợp với Liên đoàn Lao động của tỉnh, huyện hỗ trợ, cho ngư dân vay vốn mua sắm trang thiết bị, nâng cấp tàu cá để tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho đoàn viên trong nghiệp đoàn (bình quân nhu nhập của đoàn viên là 10 triệu đồng/người/tháng).
Ngoài ra, NĐNC phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Hội Chữ thập đỏ tỉnh hướng dẫn khai thác hải sản trên biển, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con ngư dân, cấp áo phao cho ngư dân để giảm bớt các rủi ro khi đánh bắt trên biển.
Có thể nói, bên cạnh các chính sách của nhà nước, sự ra đời của NĐNC đã đem lại sự khích lệ, động viên để bà con ngư dân yên tâm, khắc phục khó khăn tiếp tục duy trì ngành nghề khai thác hải sản xa bờ, tạo sản phẩm cho xã hội và góp phần bảo vệ vùng biển đảo Tổ quốc.
Thế Phong
Theo chinhphu.vn