Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Chiến lược quốc gia về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ảnh minh họa
Theo dự thảo, sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm: giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản; giảm nhẹ tác động đến sinh kế của người dân, hoạt động kinh tế-xã hội; hạn chế sự phá hoại tài nguyên thiên nhiên, môi trường, di sản văn hoá, góp phần bảo đảm phát triển bền vững, quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng một xã hội an toàn hơn trước thiên tai.
Cụ thể, sẽ nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đối với các loại thiên tai quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai; phấn đấu đạt trình độ tương đương nhóm các nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về chất lượng dự báo, cảnh báo đối với các loại thiên tai xảy ra với tần suất cao như: bão, nước dâng do bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trọng tâm của dự báo, cảnh báo thiên tai đến năm 2020 là: Nâng thời gian dự báo: bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, xâm nhập mặn, nắng nóng; cảnh báo sớm đối với: lũ quét, sạt lở đất; hạn hán; sóng thần; cảnh báo tới người dân các thông tin về vận hành hồ chứa, liên hồ chứa.
Xây dựng lực lượng ứng phó nhanh
Đến 2020, phấn đấu xây dựng được lực lượng ứng phó nhanh cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh theo hướng chuyên nghiệp trên cơ sở các lực lượng hiện có để ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra thiên tai nghiêm trọng vượt khả năng ứng phó của lực lượng tại chỗ.
Phấn đấu: ít nhất 70% số xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo việc cảnh báo, truyền tin thiên tai và xây dựng được các đội ứng phó thiên tai cộng đồng, tình nguyện viên; 70% đại diện số hộ gia đình được phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai; 100% số tầu thuyền hoạt động đánh bắt xa bờ trên biển được đưa vào tổ/đội sản xuất để hỗ trợ nhau trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển.
Phấn đấu hoàn thành việc lồng ghép, tích hợp những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai vào các chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường; hoàn thành việc mở và tổ chức đào tạo một số chuyên ngành phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức triển khai đại trà việc giảng dạy những kiến thức cơ bản về phòng, chống thiên tai đã được tích hợp trong chương trình giáo dục, hoạt động ngoại khoá trong nhà trường.
Bên cạnh đó, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời, tăng hàm lượng khoa học được ứng dụng vào các giải pháp phòng, chống thiên tai để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của quốc gia, vùng miền, địa phương.
Ổn định dân cư các vùng thiên tai
Theo dự thảo, phấn đấu hoàn thành Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên bố trí ổn định dân cư tại các vùng sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng.
Hàng năm, rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các địa điểm sơ tán dân trong tình huống khẩn cấp, đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của đối tượng phải sơ tán, đặc biệt quan tâm tới những đối tượng dễ bị tổn thương như: phụ nữ, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật.
Ngoài ra, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê sông ở các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra và tỉnh Đồng Tháp theo tiêu chuẩn thiết kế và phấn đấu chống được lũ cao hơn, kéo dài ngày; nâng cao mức chống lũ của hệ thống đê các vùng duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ theo quy định về mức chống lũ và quy hoạch đê điều được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo an toàn cho hệ thống đê biển theo tiêu chuẩn thiết kế để bảo vệ dân cư, phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển.
Bảo đảm an toàn cho các hồ chứa, đặc biệt là các hồ bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, các hồ chứa nước lớn, các hồ chứa có khu dân cư đông đúc hoặc cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá, công trình quốc phòng, an ninh quan trọng ở hạ du. Hoàn thành Chương trình xây dựng các khu neo đậu tầu, thuyền tránh trú bão theo Quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc nghề cá; đảm bảo 100% tầu, thuyền đánh bắt xa bờ có đủ thiết bị thông tin liên lạc hoạt động thông suốt; ký hiệp ước cứu hộ, cứu nạn trên biển với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực.
Chú trọng và tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển quan hệ đối tác toàn cầu và khu vực ASEAN trong phòng, chống thiên tai. Đến năm 2018, hoàn tất xây dựng lộ trình đưa Việt Nam từng bước tham gia và đóng vai trò điều phối trong một số hoạt động giảm nhẹ rủi ro và ứng phó thiên tai trong khu vực…
Theo dự thảo, Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thực hiện phòng, chống thiên tai theo phương châm “phòng, chống lũ triệt để”; đồng thời chủ động phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, rét đậm, rét hại, mưa lớn, hạn hán, nước biển dâng...
Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng ven biển miền Trung và miền Đông Nam Bộ là "Chủ động phòng, tránh, thích nghi để phát triển".
Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng đồng bằng sông Cửu Long là “phát triển bền vững trong môi trường lũ và biến đổi khí hậu”; đồng thời, chủ động: phòng tránh bão, giông, lốc, đặc biệt đối với bão mạnh; phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường, nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt đô thị.
Phương châm phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực miền núi và Tây Nguyên là “chủ động phòng tránh”, đặc biệt đối với các loại hình thiên tai có chiều hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng như hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, rét hại tại khu vực này.
Phương châm phòng, chống thiên tai trên biển là “Chủ động phòng, tránh”, đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền khai thác các nguồn lợi của biển cũng như phát triển kinh tế biển gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Tuệ Văn
Theo chinhphu.vn