Từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt, cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch.
Ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai
đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng
Mới đây, tại TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tổ chức tọa đàm đánh giá đúng chất làm chín trái cây Ethephon và vấn đề công nghệ sinh học đối với ngành nông sản chế biến.
Tọa đàm nhằm làm rõ các ứng dụng của hợp chất sinh học Ethephon trong việc sản xuất và bảo quản trái cây, giải đáp rõ hơn cho người tiêu dùng, và gỡ khó cho các doanh nghiệp nông sản chế biến cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin nhiều nông dân và thương lái buôn bán hoa quả ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên sử dụng một loại hóa chất có tên là Ethephon để thúc chín các loại hoa quả như chuối, mít, đu đủ, sầu riêng... và cho rằng chất này chỉ được dùng để kích thích mủ cây cao su và có độc với sức khỏe con người.
Đây là thông tin sai lầm và cần hiểu đúng các chất gây độc cho con người đến từ các nguyên nhân khác như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá chất vô cơ.
GS.TS. Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết: “Từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt, cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch”.
Theo GS. Thạch, cách đây 20 năm, để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ CHLB Nga vào Việt Nam” đã được triển khai.
Dự án nằm trong chương trình hợp tác khoa học công nghệ với Liên bang Nga và được Chính phủ giao cho Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia phối hợp với các đơn vị như ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, huyện Long Thành (Đồng Nai), Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình thuận, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu khuyến nông, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam... thực hiện.
Kết quả nghiên cứu của dự án được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng. Ethephon có các ứng dụng chính như để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái, tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn; phục vụ cho xuất khẩu quanh năm.
Bên cạnh đó, Ethephon còn được sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh với trái cây của các nước trong khu vực.
Theo các nhà khoa học và chuyên gia tại buổi tọa đàm, Ethephon có rất nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái, chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin.
TSKH. Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học nhiệt đới, chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước “Sản xuất thử nghiệm Ethephon” khẳng định, tất cả những sản phẩm trái vụ, dài vụ hiện nay đều do Ethephon mang lại. Kết quả xuất khẩu các loại trái cây như xoài, mít... cũng là nhờ có Ethephon. Ethephon cũng được sử dụng trong ngành chế biến của tất cả các nước và đã mang lại giá trị lớn.
Còn theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, Ethephon không gây độc hại nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng giai đoạn, sử dụng sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, người sản xuất không nên dùng Ethephon ép chín trái cây quá nhanh bằng cách sử dụng liều lượng lớn.
TS. Nghĩa cũng cho biết, trái cây sử dụng chế phẩm này khi người tiêu dùng mua về chỉ cần rửa sạch là có thể loại bỏ dễ dàng, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Việc Ethephon bị hiểu sai là do có một số nhà vườn sử dụng hóa chất trôi nổi nhập lậu từ Trung Quốc với nhãn mác tự dán cũng ghi tác dụng tương tự.
Đại diện phía doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cho rằng, phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối.
Do đó, rất cần các cơ quan chức năng quản lý chặt các sản phẩm chứa chất Ethephon. Đồng thời cung cấp thông tin chính xác về chế phẩm Ethephon để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về đặc tính sinh hóa cũng như công dụng của nó trên cây trồng và yên tâm sử dụng các loại trái cây rấm chín.
Vũ Hạ
Theo chinhphu.vn