Đưa điện ra xã đảo, huyện đảo không chỉ đơn thuần là đáp ứng sự mong đợi đêm ngày của người dân mà còn là động lực mới, mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Thi công rải cáp ngầm trên biển. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Kéo gần đảo xa với đất liền
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của BCH Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020.
Trong Quyết định này, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn bộ 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện.
Thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện bằng cáp ngầm xuyên biển và đường dây trên không để cấp điện từ hệ thống điện quốc gia từ đất liền ra đảo.
Tính đến cuối năm 2015, EVN đã đầu tư cấp điện cho 8/12 huyện đảo gồm: Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Phú Quý (Bình Thuận), Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hiện tại, EVN đang tiếp tục triển khai cấp điện cho các xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam); nhận bàn giao lưới điện và xây dựng phương án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo bé Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Kéo gần đảo xa với đất liền, hệ thống đường dây cấp điện như những “ mạch máu” của cơ thể không chỉ cung cấp ổn định, thường xuyên, liên tục đáp ứng nhu cầu về điện để các xã đảo, huyện đảo khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biển mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) thuộc nhóm các đảo và cụm đảo trọng điểm như những pháo đài tiền tiêu để bảo vệ các vùng biển, đảo, đồng thời kết hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Việc thực hiện thành công dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển ra Lý Sơn không chỉ đáp ứng nhu cầu về điện cho 22.000 người dân trên đảo mà còn tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp với thế mạnh là trồng hành, tỏi - một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện đảo. Cùng với đó là nghề chế biển hải sản, phát triển du lịch…
Ông Nguyễn Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) khẳng định: “Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm là một bước ngoặt lớn trong hoạt động điện lực tại đây. Từ nay, người dân huyện đảo không còn phải sống trong cảnh có điện “6 giờ 1 ngày” như trước”.
Mục tiêu đến năm 2020, toàn bộ 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện theo Nghị quyết của Chính phủ đối với Lý Sơn hoàn toàn có thể đạt được, ông Thành tin tưởng.
Hiệu quả rõ rệt trong phát triển KT-XH
Có thể nói, việc đưa nguồn điện lưới quốc gia từ đất liền đến với các xã đảo, huyện đảo đã tạo ra sức bật mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này trong phát triển kinh tế biển.
Trên thực tế, chỉ sau 1-2 năm có điện, kinh tế xã hội của các huyện đảo đã có bước phát triển toàn diện, vượt bậc, đặc biệt là ngành khai thác, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, du lịch. Hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển, âu thuyền neo đậu - tránh trú bão... được xây dựng mở rộng. Các cơ sở dịch vụ nghề cá như cơ sở đóng tàu thuyền, ngư lưới cụ, sản xuất nước đá, cơ sở thu mua chế biến thủy hải sản... phát triển mạnh mẽ. Đời sống người dân ngày càng khởi sắc khi tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.
Đơn cử như Lý Sơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 là 18,7 triệu đồng/người nhưng sau một năm có điện con số này đã đạt trên 21 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó là những con số nói lên nhiều điều: Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế đạt gần 1.000 tỉ đồng, tăng hơn 17% so với năm 2014. Giá trị thương mại - dịch vụ tăng cao, đạt hơn 500 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 150 tỉ đồng. Lượng khách du lịch đến Lý Sơn ước tính khoảng 100.000 lượt.
Tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, năm 2013 (trước khi có điện) thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/năm nhưng đến nay đã là 35 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 0,79% xuống còn 0,49%.
Còn ở Phú Quốc (Kiên Giang), điện đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện đảo trong giai đoạn 2011-2015 thay đổi toàn diện. Kinh tế tăng trưởng bình quân 27,52%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 3,29 lần so với năm 2010; lượng khách du lịch tăng 3,55 lần; thu ngân sách bình quân tăng 58%/năm; huy động vốn đầu tư toàn xã hội 20.000 tỉ đồng, tăng 2,74 lần so với năm 2010. Kinh tế biển có bước phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng 11,4%/năm, tỉ trọng kinh tế biển chiếm 75,6% GDP của Kiên Giang.
Dẫn ra những con số này để thấy rằng nỗ lực đầu tư của ngành điện đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội các huyện đảo, đồng thời là căn cứ quan trọng, tạo động lực để các địa phương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với nhiều mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tới.
Toàn Thắng
Theo chinhphu.vn