Cập nhật: 01/01/2016 10:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em, nâng tuổi trẻ em lên 18 là những mốc quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Trẻ em vẽ tranh nói lên quyền của mình (Ảnh: LT)

Cách đây 25 năm, ngày 20/2/1990, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em (Công ước quyền trẻ em) mà không bảo lưu một điều khoản nào. Công ước Quyền trẻ em là một văn kiện quốc tế mang tính nhân văn sâu sắc. Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được Quốc hội thông qua vào năm 1991 và sửa đổi vào các năm 2004, 2015 cùng với việc sửa đổi các Bộ Luật, Luật có liên quan đến trẻ em khác, về cơ bản đã hài hòa các quy định của hệ thống pháp luật trong nước với Công ước về quyền trẻ em.

Không bỏ sót trẻ em nào lại phía sau

Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Trong 25 năm qua, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, từ một nước nghèo có thu nhập thấp trở thành một nước có thu nhập trung bình, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho mọi trẻ em; bảo vệ và hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; từng bước thúc đẩy thực hiện quyền tham gia của trẻ em; xây dựng và triển khai ba chương trình hành động quốc gia vì trẻ em các giai đoạn 1991-2000; 2001-2010; 2011-2020).

Nhờ đó, 90% trẻ em được tiêm đầy đủ 6 loại vắc xin, giảm được tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và phòng chống suy dinh dưỡng, trẻ được đi học đúng độ tuổi, được vui chơi giải trí và được bảo vệ.

Liên Hợp Quốc cũng đánh giá: Cam kết chính trị mạnh mẽ và sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em. Cộng đồng quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao những bước tiến vững chắc mà Việt Nam đã đạt được đối với các chỉ số phát triển như: giảm nghèo, tỷ lệ nhập học, tử vong bà mẹ và trẻ em.

Sự cam kết của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam về các mục tiêu phát triển bền vững sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phát triển lấy người dân làm trung tâm và đảm bảo không bỏ sót trẻ em nào lại phía sau.

Bộ LĐTBXH khẳng định, giai đoạn 2011 - 2015, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh nhằm thực hiện tốt hơn các quyền của trẻ em; quản lý nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện, quyền trẻ em được bảo đảm, xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt kết quả cao.

Bộ đã nghiên cứu sửa đổi và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tẻ em (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em đến năm 2020. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường, quyền trẻ em ngày càng được bảo đảm.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 5,6%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Quyền trẻ em được coi trọng

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, TS.Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ Trẻ em Việt Nam; Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đánh giá, từ hơn 20 năm qua, Việt Nam đã tuyên truyền mạnh mẽ về Công ước về quyền trẻ em để người dân biết được trẻ em có những quyền gì; cũng như trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, gia đình, xã hội trong vấn đề này.

Khi những nội dung của Công ước được phổ biến rộng rãi, có nghĩa xã hội đã biết những việc cần làm để cho trẻ em được sống tốt hơn, được đáp ứng những nhu cầu rất cơ bản. Bởi “quyền” là gắn bó, không thể tách biệt với nhu cầu; từ nhu cầu luật pháp hóa lên thành quyền. Nếu đáp ứng tốt nhu cầu này thì sẽ xây dựng được một thế hệ trẻ đảm nhận những trách nhiệm rất quan trọng của đất nước trong cả hiện tại và tương lai.

Khi các em có ý thức, hiểu được mình có quyền và bổn phận, được người lớn quan tâm thì trẻ sẽ có tinh thần tự trọng, trách nhiệm cao hơn, sẽ tham gia cùng thực hiện không chỉ việc của người lớn, mà còn làm “truyền thông” từ trong gia đình, cộng đồng, trường học. Qua đó, các em được quan tâm để sống khỏe hơn, được học tập, phát triển toàn diện hơn; cũng như không bị thiệt thòi về sức khỏe, thể chất, tinh thần, khỏi bị xâm hại. Ngay từ nhỏ, các em đã là chủ thể, không bị động, khi đó sự tham gia của các em sẽ tích cực hơn.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đã được Quốc hội đưa ra bàn thảo và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 11 năm 2016. Dự thảo lần này tăng 36 điều so với Luật hiện hành với nhiều điểm mới, trong đó tập trung nhấn mạnh quyền và bổn phận của trẻ em; quy định về hệ thống bảo vệ trẻ em; bảo đảm các quyền được tham gia của trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em…

TS.Trần Thị Thanh Thanh đánh giá: Dự thảo có sự thay đổi tương đối toàn diện, rất nhân văn và có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội cho một thế hệ phục vụ phát triển đất nước, bảo đảm chất lượng sống tốt hơn. Điểm mới dễ dàng nhận thấy là nâng tuổi trẻ em từ 16 lên 18. Điều này phù hợp với tinh thần Công ước về quyền trẻ em và thể hiện tính pháp lý.

Nội dung các chương cũng được bổ sung thêm. Nếu như Luật cũ, chương Bảo vệ là chính, thì Luật mới có cả chương về Sức khỏe, Giáo dục, Bảo vệ, Tham gia. Đây là 4 chương đại diện cho 4 nhóm quyền của trẻ em (quyền sống, quyền phát triển, quyền bảo vệ và quyền tham gia).

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi cũng dành một điều về các tổ chức xã hội, đây cũng là điểm mới, bởi trước đây chỉ đề cập đến vai trò của mặt trận và các thành viên. Luật nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền trẻ em, do đây là tổ chức duy nhất kết nối các tổ chức xã hội khác để đưa tiếng nói, kiến nghị, chính kiến về chính sách hay vi phạm quyền trẻ em đến các cơ quan vận động và quyết định các chính sách./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm