Từ ngày 1/1/2016, hàng loạt các trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên toàn quốc đồng loạt tăng phí mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và các nhà đầu tư BOT đề xuất lùi thời gian tăng phí sáu tháng với các trạm có lộ trình tăng từ đầu năm 2016.
Trạm thu phí cầu Bến Thủy được điều chỉnh tăng mức thu theo Thông tư mới của Bộ Tài chính.
(Ảnh: Cienco 4 cung cấp)
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường, việc tăng là cần thiết và hợp lý.
“Tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được làm với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.
Nhà đầu tư lo nợ quá hạn, nợ xấu
Từ ngày 1/1/2016, trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An) đã chính thức tăng giá vé. Theo đó, giá vé đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Xe từ 12-30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 40.000 đồng/lượt lên 60.000 đồng/lượt. Xe 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 50.000 đồng/lượt lên 75.000 đồng/lượt. Cao nhất với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet tăng từ 160.000 đồng/lượt lên 180.000 đồng/lượt.
Lý giải về việc tăng phí này, đại diện trạm thu phí BOT cầu Bến Thủy cho rằng, đơn vị tăng phí đúng theo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy II của Bộ Tài chính.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, hai dự án giao thông cũng vừa được nhà đầu tư kiến nghị tăng phí từ những ngày đầu năm 2016.
Cụ thể, để hoàn vốn cho dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa đã được thông xe vào ngày 25/9/2015, Bộ Tài chính đã có Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí đường bộ tại trạm thu phí Cam Thịnh đặt tại Quốc lộ 1. Do vậy, công ty đề xuất được thu phí từ ngày 1/1/2016.
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí đường bộ tại trạm Ninh An từ ngày 10/1/2016 để hoàn vốn cho dự án.
Đại diện Tập đoàn Trường Thịnh, đơn vị thu phí trạm Quán Hàu hoàn vốn dự án đường trành thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) cho rằng, việc lùi tời hạn tăng phí sẽ ảnh hưởng đến tín dụng của ngân hàng và doanh nghiệp dự án.
“Từ ngày dự án được đưa vào thu phí thì nhà đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ trả lãi và gốc vay để đầu tư dự án cho ngân hàng. Nếu nguồn thu sụt giảm, không đảm bảo thì sẽ bị nợ quá hạn và đây là nhóm nợ xấu làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp dự án. Ngược lại, nếu thực hiện lùi thời gian thu phí thì cũng không kịp thời gian để thực hiện việc in ấn vé mới, làm ảnh hưởng đến công tác thu,”đại diện Tập đoàn Trường Thịnh phân trần.
Bên cạnh đó, sau khi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị về việc lùi thời gian thu phí, nhiều nhà đầu tư đã in vé đường bộ với mệnh giá theo lộ trình tăng phí đã được quy định từ 1/1/2016, không còn vé theo mức cũ năm 2015 trong khi, phải mất tối thiểu 7 ngày để in vé, 5 ngày để thông báo, như vậy không thể in kịp vé theo mệnh giá cũ 2015.
Tăng phí là cần thiết
Liên quan đến việc Bộ Tài chính “bác” kiến nghị lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT có lộ trình tăng từ 1/1/2016, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho rằng, từ năm 2002 đến nay, phí đường bộ qua các trạm BOT mới tăng hai lần. Một lần là 10.000 đồng/xe tiêu chuẩn, lần thứ 2 là tăng lên 20.000 đồng/xe tiêu chuẩn và hiện tại là 30.000 đồng/xe tiêu chuẩn.
Về chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất, tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước nên thống nhất một mức giá để có sự cân bằng giữa các doanh nghiệp vận tải khi lưu thông trên các tuyến đường.
Giải thích về kiến nghị lùi thời hạn tăng phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau khi cân đối, Bộ Giao thông Vận tải thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế mấy năm qua khá ổn định, đặc biệt là giá xăng dầu giảm nên chi phí vận tải cũng giảm. Do đó, tăng giá vé qua các trạm BOT trong bối cảnh vừa có một chút kết quả về kinh tế sẽ tạo sức ép ảo cho người dân nhưng thực chất việc tăng này là hợp lý.
“Các trạm nằm trong lộ trình tăng phí vẫn tăng bình thường. Việc tăng là cần thiết và hợp lý nhưng tăng như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay thì phải cân nhắc 3 điều kiện gồm việc hoàn vốn của nhà đầu tư, sức chịu đựng của người dân và tốc độ phát triển của nền kinh tế,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường phân tích.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được làm với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng.
Do đó, trong công văn kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất, căn cứ vào từng dự án cụ thể mà các nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng giảm phù hợp.
Đề cập đến một số trạm thu phí đặt nhầm chỗ như Bắc Thăng Long-Nội Bài, Quốc lộ 5… Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, trong chủ trương, Bộ Giao thông Vận tải có tính đến phương án mua lại, nhưng thời điểm nào mua thì còn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế.
“Các nước trên thế giới cũng đều có cách làm tương tự. Kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng hạ tầng giao thông, thu phí trạm BOT hoàn vốn, khi Nhà nước có đủ tài chính sẽ mua lại các trạm này,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định./.
Theo VIỆT HÙNG (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/lui-thoi-han-tang-phi-tram-bot-se-pha-vo-phuong-an-tai-chinh/364470.vnp