Cập nhật: 08/01/2016 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Truyền hình số mặt đất (hay số hóa truyền hình) được hiểu là hình thức chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số (digital) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả sử dụng tần số và số lượng kênh chương trình được tăng lên. Theo Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020 của Chính Phủ, Vĩnh Phúc đứng trong nhóm thứ 2 đang thực hiện số hóa truyền hình mặt đất. Để thực hiện đúng lộ trình nói trên, tỉnh Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai các bước thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Ngày 27/11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2451/QĐ-TTg phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Đề án xác định mục tiêu cơ bản là chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, đạt hiệu quả; từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (như HDTV, 3DTV,...); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình dùng chung giữa các đài truyền hình ở Trung ương và địa phương; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống các đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp. Đảm bảo đến năm 2015, 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55%; phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư. Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số mặt đất bằng các phương thức khác nhau; trong đó truyền hình số mặt đất chiếm 45%; phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư…

Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi để người dân và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Đó là, Nhà nước sẽ sử dụng Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các máy phát số tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách. Ngoài ra, còn sử dụng một phần kinh phí từ đấu giá tần số để thực hiện kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất. Nhà nước sẽ huy động nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn doanh nghiệp, vốn ODA và tạo cơ chế đặc biệt nhằm huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất.

Theo lộ trình số hóa, truyền dẫn, phát sóng truyền hình quốc gia, đến hết ngày 31-12-2016, một số địa phương trong đó có Vĩnh Phúc sẽ chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Chia sẻ về lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ, ông Trần Gia Long, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc cho biết: "Số hóa truyền hình là xu hướng phát triển của công nghệ, hướng đến công nghệ hiện đại, ưu việt hơn so với công nghệ mà chúng ta đang áp dụng hiện nay. Nó sẽ đảm bảo cho người dân được thu xem truyền hình với chất lượng hình ảnh, âm thanh trung thực, sắc nét hơn, độ phân giải cao hơn, chính vì vậy, xu hướng phát triển kỹ thuật công nghệ truyền hình hướng tới công nghệ hiện đại hơn và có nhiều ưu việt hơn. Công nghệ hiện nay có rất nhiều nhược điểm mà người thu xem sẽ phải gặp phải. Thứ nhất là hình ảnh âm thanh không trung thực, xuất hiện những bóng mờ, nhiễu dạng muỗi đặc biệt là độ phân giải không cao. Người thu xem không được xem nhiều kênh chương trình do là kỹ thuật truyền hình kỹ thuật anolog không cho phép. Đối với Nhà nước thì rất lãng phí, về tài nguyên tần số, vô tuyến điện, chính vì vậy, mà truyền hình số có nhiều ưu việt hơn. Hiện nay, trên thế giới rất nhiều nước đã triển khai thành công công nghệ truyền hình số này. Đây là xu hướng công nghệ phát triển tất yếu, đảm bảo quyền lợi cho người thu xem truyền hình với chất lượng tốt hơn. Đồng thời nhà nước tích kiệm được tài nguyên tần số vô tuyến điện".

Vĩnh Phúc thực hiện lộ trình số hóa truyền hình của Chính phủ.

Theo lộ trình của Chính phủ, đến năm 2016, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chấm dứt việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất chuyển sang công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Để thực hiện lộ trình trên, tỉnh Vĩnh phúc đã ban hành Kế hoạch về tổ chức thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình năm 2015-2016 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch xác định đến hết quý II năm 2015, tại 9 huyện, thành phố, thị xã, lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của các sở, ban, ngành; lãnh đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình; cán bộ phụ trách thông tin cơ sở; lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng, nhập khẩu, sản xuất, phân phối thiết bị truyền hình hiểu biết đầy đủ về sự cần thiết, mục tiêu và nội dung của Đề án. Đảm bảo đến hết năm 2015, người dân trên địa bàn tỉnh hiểu được lợi ích của mình, của doanh nghiệp và của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số.

Thực hiện Quy hoạch và Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, Đài PT&TH tỉnh chủ động xây dựng Dự án đầu tư trang thiết bị kỹ thuật giai đoạn 2015 – 2020, nội dung cụ thể của dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ sản xuất và truyền dẫn; hệ thống sản xuất phát sóng phát thanh và các thiết bị phụ trợ; xây dựng trường quay đa năng. Giai đoạn II, nâng cấp trang thiết bị phụ vụ sản xuất và truyền dẫn; hệ thống tổng khống chế phát sóng SD/HD và các thiết bị phụ trợ; hệ thống lưu trữ trung tâm và hệ thống mạng quản lí; đầu tư trang thiết bị phim trường cho trường quay; hệ thông loa trang âm khán phòng và thiết bị phụ trợ âm, hệ thống ánh sáng sân khấu và thiết bị phụ trợ ánh sáng; hệ thống trang thiết bị truyền hình trường quay; đầu tư xe truyền hình lưu động chuẩn HD, cấu hình 7 camera và nâng cấp xe truyền hình đã có chuẩn HD.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng nhu cầu số hóa, ngay từ năm 2014, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Đài truyền thanh các huyện, thành, thị cách dựng hình phi tuyến và chuyển tin qua mạng, không còn nhận băng từ; từng bước hiện đại hóa hệ thống tin từ trong cơ quan đến cơ sở. Đồng thời, liên tục cử cán bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin của Đài tham gia các lớp tập huấn, các khóa học về truyền hình số, công nghệ thông tin, kỹ xảo 3D để nâng cao chất lượng dựng hình. Cùng với việc nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đài đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các huyện, thành phố, thị xã để nhân dân hiểu chủ trương và đầu tư thiết bị thu hình, sử dụng các dịch vụ phù hợp, đáp ứng với nhu cầu số hóa. Hiện Đài đã thực hiện phát sóng vệ tinh, hòa mạng cáp theo tiêu chuẩn này và hòa mạng các chương trình truyền hình: MyTV, truyền hình cáp. 

Cán bộ, nhân viên Đài PT-TH Vĩnh Phúc sẵn sàng cho lộ trình số hóa truyền hình

của Chính phủ

Thực hiện lộ trình số hoá truyền hình của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về tổ chức thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình năm 2015 – 2016, huyện Lập Thạch đã chỉ đạo Đài truyền thanh huyện và hệ thống các đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền về số hóa truyền hình để người dân trên địa bàn huyện hiểu và thực hiện. Các kênh truyền hình số mặt đất phát miễn phí hiện có 27 kênh. Đối với các gia đình đang sử dụng dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất của VTV hoặc AVG hoặc truyền hình qua mạng Internet thì không hưởng đến các phương thức thu xem truyền hình khác. Riêng đối với thuê bao VTC đang sử dụng đầu thu chuẩn DVB – T cần liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng của VTC để hỗ trợ nâng cấp lên đầu thu chuẩn DVB – T2 để xem được truyền hình số.

Cán bộ truyền thanh xã Tử Du, huyện Lập Thạch tuyên truyền về số hóa truyền hình để người dân trên địa bàn huyện hiểu và thực hiện.

Thực hiện lộ trình số hóa của Chính phủ, Siêu thị điện máy HC Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như: Giảm giá các loại ti vi mới đã có cài đặt tích hợp sẵn đầu thu truyền hình số chuẩn DVB – T2 với đủ các kích cỡ khác nhau, do vậy, khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn cho mình khi mua sản phẩm.

Nhân viên Siêu thị điện máy HC Vĩnh Phúc tư vấn cho khách hàng mua các sản phẩm ti vi mới đã có cài đặt tích hợp sẵn đầu thu truyền hình số chuẩn DVB – T2

 

Người dân sẽ làm gì khi số hóa truyền hình

Từ 1 tháng 1 năm 2017, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc người dân không thể thu xem được truyền hình Trung ương, địa phương bằng công nghệ truyền hình anolog. Như vậy, lúc đó người dân muốn xem được truyền hình của địa phương và Trung ương thì buộc phải chuyển đổi thu xem truyền hình số. Như vậy, sẽ có các nhóm đối tượng sau: Thứ nhất là những hộ gia đình hiện nay, đang thu xem truyền hình sử dụng tivi cũ và sử dụng ăng ten râu hoặc là ăng ten dàn cắm trực tiếp vào tivi để xem các kênh truyền hình quảng bá thì phải mua đầu thu chuyển hóa về kỹ thuật số theo tiêu chuẩn, DVB – T, DVB – T2, là chuẩn hóa được Bộ Thông tin Truyền thông quy định. Thứ 2, đối với các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định mà vẫn sử dụng tivi cũ, sử dụng ăng ten râu, ăng ten dàn cắm trức tiếp vào tivi, sẽ được Nhà nước cấp cho một cái đầu thu để thu xem truyền hình số. Thứ 3 là nhóm các hộ gia đình hiện nay, đang sử dụng truyền hình số VTC thì những hộ gia đình này, khi chuyển đổi sang truyền hình kỹ thuật số thì phải liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hành của đài truyền hình kỹ thuật số VTC để người ta điều chuyển tử DVB – T sang DVB – T2. Thứ 4 là đối với các hộ gia đình đang sử dụng  truyền hình cáp, truyền hình Internet, truyền hình K+, AVG... thì không cần phải chuyển đổi. Đối với các hộ gia đình chuẩn bị đi mua ti vi mới cần phải có cài tích hợp sẵn các đầu DVB – T2 , các ti vi này được tích hợp sẵn có lô gô dán phía sau ti vi.

Để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, Đài PT&TH tỉnh, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hiểu và tích cực hưởng ứng tham gia sử dụng dịch vụ truyền hình số, có như vậy, số hoá truyền hình mới thật sự phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống.

 

 

Bài, ảnh:Nguyễn Toàn 

                                                                                    

Tệp đính kèm