Cập nhật: 10/01/2016 16:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thu giữ vũ khí nguy hiểm tại Lạng Sơn. |

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Bính Thân (2016), nhưng thị trường “hàng nóng” (pháo, vật liệu nổ - VLN, vũ khí - VK, công cụ hỗ trợ - CCHT…) đang diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã có biện pháp trấn áp quyết liệt, nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn tinh vi để làm ăn phi pháp, gieo rắc nỗi bất an cho xã hội.

Pháo - hiểm họa trở lại

Vài năm gần đây, mối nguy từ các tai nạn do pháo nổ lại dần xuất hiện ở nhiều nơi. Trên cả nước, lực lượng chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều đối tượng buôn lậu, tàng trữ, sử dụng pháo các loại. Nghiêm trọng hơn, ở một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng đốt pháo tự phát, nhất là vào dịp Tết. Đã xảy ra không ít trường hợp “cháy nhà, thương vong” do pháo gây ra.

Vụ việc mới đây nhất (5-1), khoảng 30 kg pháo được giấu lẫn trong 37 tấn hàng hoa quả khô vừa được các lực lượng chức năng bắt quả tang trên đường từ Quảng Tây (Trung Quốc) về tỉnh Lạng Sơn. Lô hàng gồm nhiều loại pháo như: pháo bánh, pháo tép, pháo cối và pháo hình lựu đạn được trộn trong các bao tải hạt dẻ.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ vận chuyển pháo với số lượng lớn. Cụ thể hai ngày 27 và 28-12-2015, Công an tỉnh Nghệ An đã phá hai chuyên án, bắt ba đối tượng, thu 202 kg pháo các loại. Hay khoảng 23 giờ ngày 18-12-2015, tại khu vực cầu Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), Công an TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra xe ô-tô khách BKS 98H-3999 do Phạm Văn Hải (sinh năm 1964, trú tại Sơn Động, Bắc Giang) điều khiển, phát hiện một thùng hàng (bên trong có chứa 700 quả pháo, tổng trọng lượng 32,9 kg) của hành khách Lại Văn Bộ (sinh năm 1980, trú tại Lục Ngạn - Bắc Giang). Tại cơ quan điều tra, Bộ khai nhận nếu vận chuyển trót lọt sẽ bán số pháo trên về tỉnh Bình Phước với giá 14 triệu đồng.

Theo Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT và pháo (Phòng 3) thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) Bộ Công an, cho biết: “Thời gian qua, tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép có nguy cơ tăng nhanh, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Nghiêm trọng hơn, khi bị bắt giữ, hầu hết đối tượng phạm tội đều khai nhận là có lường trước được hậu quả khủng khiếp do pháo nổ gây ra, nhưng vì lợi nhuận cao nên bất chấp”.

Trực tiếp nắm thông tin tình hình ở các địa phương, Trung tá Nguyễn Trọng Toản, Phó Trưởng phòng 3 (C64) bày tỏ lo ngại về những nguyên nhân khiến lực lượng chức năng khó xử lý nạn buôn lậu pháo nổ là bởi, các đối tượng thường xé lẻ, phân nhỏ lượng pháo nhập lậu từ biên giới, ngụy trang lẫn với đủ thứ hàng hóa, rồi vận chuyển bằng đủ mọi phương tiện trên mọi tuyến đường. Vì thế, số lượng pháo ở mỗi vụ có giảm, nhưng số vụ bắt giữ và số đối tượng tham gia lại tăng nhanh.

 

Lực lượng chức năng kiểm đếm tang vật trong một vụ buôn lậu pháo.

Nỗi bất an từ vũ khí, công cụ hỗ trợ

Không chỉ nạn buôn lậu pháo, tình trạng mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại VK, VLN, CCHT cũng diễn biến phức tạp, gây hoang mang cho xã hội, làm đau đầu các ngành chức năng. Trong quá trình thu thập thông tin, phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã tiếp cận với các trang web rao bán công khai đủ loại “hàng nóng” trên mạng. Chỉ cần gõ các từ khóa: mua bán roi điện, đao kiếm, súng… và một cú “kích chuột” lập tức nhiều trang online hiện ra giới thiệu đầy đủ từ thông số, giá cả, cho đến cả hướng dẫn phương thức giao dịch để mua các loại hàng cấm này. Thậm chí có một số trang còn đăng cả video hướng dẫn sử dụng. Qua tìm hiểu, khi có “khách hàng” truy cập trang web cần hỏi thêm thông tin về giá và cách thức giao dịch thì quản trị trang lập tức đề nghị cho số điện thoại để giao dịch kín.

Không chỉ tồn tại những giao dịch mua bán trái phép trên mạng, qua tìm hiểu thực tế và thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, “thị trường chợ đen” các loại “hàng nóng” này không chỉ có mặt tại các thành phố lớn, khu vực biên giới, cửa khẩu mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Nếu như hiểm họa do pháo nổ thường xảy ra vào dịp áp Tết cổ truyền, thì nỗi bất an về VK, VLN, CCHT diễn ra ở mọi thời gian và địa điểm. Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 30-12-2015, tại nhà ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Huyện ủy Đức Hòa, trú tại ấp Bình Thủy, xã Hòa Khánh Đông (Đức Hòa, Long An) xảy ra vụ trộm tài sản. Khi bị phát hiện các đối tượng đã sử dụng hung khí bắn (không gây tiếng nổ) chống trả quyết liệt làm anh Nguyễn Thanh Tâm (con trai ông Út) bị thương. Bước đầu, cơ quan công an địa phương nhận định, hung khí mà các đối tượng gây án có thể là súng tự chế hoặc một loại công cụ hỗ trợ…

Thời gian qua, trên khắp cả nước cũng liên tục xảy ra các vụ án mạng đau lòng, hung khí các đối tượng phạm tội sử dụng thường là vũ khí, bom mìn tự chế, thậm chí có cả súng quân dụng. Chỉ nhìn vào số liệu những vụ đã bị cơ quan chức năng bắt giữ đủ thấy mức độ nguy hiểm, manh động của các đối tượng phạm tội có sử dụng “hàng nóng”.

Nỗ lực ngăn chặn

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, các vụ việc liên quan đến pháo trong 12 tháng qua tính đến ngày 15-11-2015 là 612 vụ (tăng 30 vụ so với cùng kỳ năm trước): bắt 458 đối tượng (tăng 238 đối tượng), thu 14.064 kg, 1.473 quả pháo các loại. Riêng khoảng gần hai tháng cuối năm 2015, các lực lượng chức năng đã xử lý 94 vụ mua bán, vận chuyển pháo nổ trái phép; bắt giữ 128 đối tượng, thu hơn 2.200 kg và hơn 1.400 quả pháo các loại.

Đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép VK, VLN, CCHT tính từ đầu năm 2015 đến ngày 4-1-2016, trên cả nước đã xảy ra hơn 670 vụ, bắt 944 đối tượng. Cụ thể, trong 307 vụ sử dụng VK, VLN, CCHT trái phép, đã làm 59 người chết, 232 người bị thương, bắt 384 đối tượng; thu 86 khẩu súng các loại, 206 viên đạn, 358 kg thuốc nổ, 645m dây cháy chậm, gần 287 CCHT và vũ khí thô sơ.

Kết quả này đã phản ánh nỗ lực rất lớn của các lực lượng chức năng, nhưng cũng phần nào cho thấy hiểm họa khó lường đối với an ninh, trật tự xã hội, an toàn tính mạng của người dân khi còn biết bao nhiêu vụ việc chưa được phanh phui. Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng các loại tội phạm này, nhiều ý kiến của những người có trách nhiệm cho rằng: Ngành chức năng cũng đang gặp khó khăn trong xử lý những hành vi phạm tội liên quan “hàng cấm” bởi cơ chế quản lý các loại hóa chất còn nhiều bất cập. Các đối tượng có kiến thức hóa học, vật lý đã lợi dụng để mua các loại hóa chất, vật liệu về tự điều chế VLN, tự chế vũ khí…

Bàn về giải pháp lâu dài đấu tranh với các loại hình tội phạm này, Đại tá Bùi Thắng Hòa - Phó Cục trưởng C64, Bộ Công an, cho rằng: Lực lượng Công an cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển… tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và bắt giữ các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép VK, VLN, CCHT qua biên giới. Cùng với đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này. Hiện tại, Bộ Công an đang nỗ lực xây dựng dự án Luật về quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT để sớm trình Quốc hội thông qua, thay thế cho Pháp lệnh 07/2013/UBTVQH13 ngày 12-7-2013 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 (có hiệu lực từ 1-3-2014).

Trấn áp hiệu quả tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại VK, VLN, CCHT và pháo đang là yêu cầu bức thiết đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng. Ngăn chặn được những hiểm họa khôn lường này mới bảo đảm cho nhân dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán yên bình, giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Có một thực tế đang xảy ra, một số doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ lẽ ra phải được quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ. Thế nhưng do yếu kém trong khâu quản lý, cùng với việc sợ trách nhiệm, sợ xử phạt, nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình giấu giếm các sự cố, vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.

 

 

Theo Dương Quang/Báo nhân dân điện tử

Tệp đính kèm