Theo dự thảo Luật về máu và tế bào gốc, chỉ sử dụng máu, chế phẩm máu và tế bào gốc phục vụ chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc cũng phải đảm bảo nguyên tắc vì mục đích nhân đạo; bảo đảm tự nguyện đối với người hiến máu và tế bào gốc.
Đồng thời, giữ bí mật các thông tin có liên quan đến người hiến máu và tế bào gốc, người nhận máu, chế phẩm máu và tế bào gốc. Bảo đảm an toàn cho người hiến máu, người bệnh được truyền máu hoặc chế phẩm máu, người được ghép tế bào gốc và nhân viên y tế có liên quan đến hoạt động truyền máu.
Tôn vinh người hiến máu và hiến tế bào gốc
Theo dự thảo, hiến máu và tế bào gốc là một nghĩa cử nhân văn, từ thiện thể hiện sự đoàn kết xã hội con người vừa là trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng. Nhà nước khuyến khích mọi công dân đủ điểu kiện tham gia hiến máu và tế bào gốc chủ động thực hiện hiến máu, tế bào gốc không lấy tiền và coi đó là những tấm gương tốt cho xã hội.
Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho công tác an toàn truyền máu. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống tổ chức vận động, tiếp nhận và sản xuất máu và tế bào gốc. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dịch vụ liên quan đến máu và tế bào gốc.
Nhà nước khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động liên quan đến máu và tế bào gốc. Tôn vinh người hiến máu và người hiến tế bào gốc.
Các hành vi bị nghiêm cấm
Theo dự thảo, nghiêm cấm các hành vi sau:
1. Ép buộc hoặc cản trở người khác hiến máu hoặc tế bào gốc.
2. Nghiên cứu, ứng dụng lâm sàng tế bào gốc, sử dụng tế bào gốc hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ tế bào trong khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
3. Tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất máu, chế phẩm máu và tế bào gốc tại các cơ sở không đủ điều kiện.
4. Xuất khẩu, nhập khẩu trái phép máu, chế phẩm máu và tế bào gốc.
5. Cố ý truyền máu hoặc chế phẩm máu không bảo đảm an toàn, chất lượng.
6. Tạo phôi nhằm mục đích lấy tế bào gốc để nghiên cứu hoặc điều trị.
7. Đặt phôi vào cơ thể người phụ nữ sau đó nạo phá thai để lấy mô hoặc lấy thai nhằm mục đích lấy tế bào gốc.
8. Nhân bản vô tính để lấy tế bào gốc, trừ trường hợp nuôi cấy tế bào gốc để điều trị hoặc nghiên cứu.
9. Quảng cáo về máu và chế phẩm máu.
10. Quảng cáo về sử dụng tế bào gốc cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chăm sóc sắc đẹp khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt.
Tuệ Văn
Theo chinhphu.vn