Cập nhật: 04/02/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Họ là những chàng trai trẻ yêu biển. Có người từ đảo trở về, cũng có người chưa lần nào ra đảo, nhưng mọi con đường đi và phấn đấu trưởng thành của họ đều gắn với biển, và đích cuối đều là phục vụ biển đảo quê hương...

Chiến sĩ trẻ chuyển đồ từ tàu lên đảo Trường Sa Lớn.

Tôi gặp ba chàng trai này trong ba hoàn cảnh khác nhau: trên con tàu ra biển, tại một hòn đảo giữa Trường Sa, hay ngay trong ngôi trường Học viện Hải quân mà họ đang theo học. Họ để lại cho tôi nhiều suy ngẫm về người lính biển.

Tuổi 19 trên đảo Trường Sa Lớn

Một năm trước, trên con tàu đưa hàng Tết ra Trường Sa, tôi gặp một chàng trai trẻ, mắt rớm lệ, đứng ở lan can tàu nhìn xuống. Phía dưới, một nữ sĩ quan hải quân đã trung tuổi tách hàng chạy theo con tàu cho tới mút cầu cảng để vẫy tay chào cậu. Cậu là Nguyễn Công Huân, con út trong một gia đình mà cả bốn người đều là lính hải quân. Người mà cậu vừa vẫy tay chào chính là mẹ của Huân. Dưới cầu cảng lúc đó còn có cả bố cậu, một cán bộ vùng 4 - Hải quân. Bố cậu là Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân. Cậu cả Nguyễn Hà Hải, sinh năm 1991, vừa tốt nghiệp Học viện Hải quân và lúc đó đang tập sự trên con tàu Bệnh viện 561. Chính Hải, trong chuyến ra khơi đầu tiên của mình đã chở theo người em trai ra đảo Trường Sa, bắt đầu con đường làm lính hải quân, tiếp nối truyền thống gia đình.

Đó là chuyến đi đặc biệt với cả hai anh em, nó không chỉ thử thách đối với Hải, mà còn rất nhiều bỡ ngỡ với Huân. Nhờ có anh trai quan tâm chăm sóc, cậu út đã dần nguôi ngoai cảm giác xa nhà. Rồi ngày tàu cập cảng Trường Sa, cũng là lúc Huân chia tay nốt với người thân, bắt đầu một cuộc sống mới trên đảo.

Huân tâm sự, trước đây cậu chỉ xa nhà từ sáng đến tối là quay về. Chuyến ra đảo là chuyến đi dài nhất của cậu, cũng là thử thách lớn nhất mà cậu phải trải qua khi bước sang tuổi 19. Tết năm đó, cậu cùng đồng đội đón giao thừa trên đảo. “Ngày tết gia đình thường sum họp, trong khi những đồng đội của em phải làm việc ngoài đảo. Đó là lần đầu tiên em cảm nhận được sự hy sinh của những người lính đảo và thấy được sức mạnh nghị lực của đồng đội mình”, Huân kể lại.

Chính tình đồng đội, sự quan tâm giúp đỡ của những người lính xa nhà đã giúp Huân trưởng thành hơn, khiến cậu quyết tâm phải sống tự lập để bước tiếp con đường của riêng mình. Ngay trong tháng huấn luyện đầu tiên, cậu đã được nhận phần thưởng chiến sĩ tiên tiến.

Tháng tư vừa qua, chàng trai trẻ tổ chức sinh nhật lần thứ 19 của mình trên đảo. Trong cái sinh nhật đầu tiên xa nhà ấy, Huân đã dành số tiền tiết kiệm của mình để mua bánh kẹo, nước ngọt mời các chiến sĩ toàn đảo. Tuy vậy, còn một niềm vui khác nữa đón đợi cậu...

Chuyện là sau chuyến đi thử thách tết năm đó, anh trai Nguyễn Hà Hải đã chính thức trở thành Trưởng ngành Hàng hải của Tàu 561 và thường xuyên có cơ hội ra đảo. Dịp sinh nhật em trai, biết tàu sẽ ghé thăm Trường Sa Lớn, Hải đã chuẩn bị sẵn bánh ga-tô từ đất liền để tặng em mình. Nhưng không ngờ tàu cập cảng chậm mất hai ngày so với kế hoạch. Nhận được quà từ anh, Huân lại tổ chức sinh nhật thêm một lần nữa. Chiếc bánh sinh nhật được sẻ ra từng miếng nhỏ, chia đều khắp đảo. Mọi người đều nói, đó là lần đầu tiên lính đảo sinh nhật có bánh kem.

Rồi những ngày tháng thực hiện nghĩa vụ thử thách trên đảo cũng qua đi, tháng bảy vừa qua, Huân được kết nạp Đảng ngay trên đảo. Tháng tám, cậu trở về đất liền và vẫn không ngừng nung nấu quyết tâm để chính thức trở thành một sĩ quan hải quân. Giờ đây, Huân đang là học viên lớp dự bị đại học 19A của Học viện Hải quân.

Học để trở về với biển...

Hơn Huân ba tuổi, Phạm Minh Tuấn sinh ra và lớn lên ở Quảng Ninh. Bố xa nhà từ lúc Tuấn còn bé, việc nuôi dạy con cái đều do mẹ. Từng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý. Nhưng rồi sau đó, vì nhiều lý do, Tuấn lơ là học hành, thi đại học thiếu mất nửa điểm. Mơ ước trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin bay thành mây khói.

Lúc này, bố của anh, Đại tá Phạm Văn Quang, Chính ủy Hải quân vùng 1 mới “ra mặt”. Ông bắt đầu trò chuyện với anh như một chàng trai trưởng thành, phân tích, đưa ra những lựa chọn khác cho anh. Thi đại học thiếu nửa điểm, Tuấn nhập ngũ, tranh thủ thời gian đó tiếp tục ôn để năm sau thi tiếp. Sau ba tháng tân binh, tình cảm đặc biệt với nghiệp binh đã thôi thúc anh quyết định xin ra đảo, nối nghiệp bố.

Đó là năm 2011, chàng trai Phạm Minh Tuấn đeo ba-lô lên tàu ra đảo Song Tử. Tuấn gần như bặt tin từ đất liền... Mọi bỡ ngỡ rồi cũng qua, giờ đây, khi kể lại, Tuấn vẫn coi đó là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời anh. Trong không gian đảo bé nhỏ, con người sống với nhau thật chân thành. Tuấn còn nhớ, đêm Ba mươi Tết năm đó, đám lính trẻ cầm kẹo bánh đi chúc Tết và chia hết các vọng gác quanh đảo. Những người lính sau phiên gác quay về quây quần quanh nồi bánh chưng. Nhưng ai cũng gà gật do mệt nên nồi bánh cháy khét lúc nào không hay...

Rồi những lúc mọi người xốn xang chờ ngày có đoàn ra thăm đảo. Bộ đội háo hức dọn dẹp vệ sinh đảo sạch sẽ từ cả tuần trước. Nhưng đúng đêm trước khi tàu đến thì một cơn bão tràn qua. Vậy là những người lính lại phải dậy từ ba giờ sáng để quét dọn lại, lúc đón đoàn ai cũng mệt phờ nhưng vẫn vui. Ngày hôm sau, cả đảo đang xem đoàn biểu diễn văn nghệ thì có kẻng báo động. Trong khi ca sĩ vẫn hát múa trên sân khấu, bộ đội đã vứt ghế chạy hết về vị trí chiến đấu.

Từ một chàng trai rất mơ hồ về đảo, Tuấn đã xem biển đảo như một phần máu thịt mình. “Nhiều lúc em tự hỏi tại sao mình lại ra đảo, trong khi bạn bè đang học trên các giảng đường đại học. Nhưng sau đó tự hiểu, biển đảo đã trở thành đam mê của em”, Tuấn cười nói.

Rời Song Tử trở về đất liền, Tuấn được phân công về Tàu hải quân 561. Trong chín tháng lênh đênh trên tàu chở các đoàn ra thăm đảo ấy, mơ ước được trở thành một sĩ quan Hải quân lại lớn dần lên trong anh. Và Tuấn giờ đang là lớp trưởng lớp KH33A, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Học viện Hải quân. Từ lính đảo về làm chiến sĩ tàu rồi lại cắp sách đến trường, kiến thức phổ thông đã rơi rụng đi khá nhiều, nhưng lớp trưởng thì phải nêu gương cho anh em, Tuấn lại lao vào học. Lần này thì anh không chểnh mảng như trước nữa, bởi trong anh đã định sẵn một con đường: “Học để trở về với biển, để điều khiển những con tàu lớn ra bảo vệ vùng biển đảo quê hương”.

Đi đường vòng, nhưng đích đến vẫn là biển

Cũng như Tuấn, Trương Hồng Quân, sinh năm 1988, đang là lớp trưởng KH30C, nhưng con đường phấn đấu của Quân thì quanh co hơn. Quân nhập ngũ năm 2007, là chiến sĩ ở vùng 3 - Hải quân. Sự gian khổ không làm anh nao núng ý chí phấn đấu trở thành sĩ quan gắn cuộc đời mình với biển. Ngày huấn luyện, đêm Quân lại miệt mài đèn sách để ôn thi. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Quân thi vào học Trung cấp kỹ thuật Hải quân và đỗ thủ khoa với số điểm gần như tuyệt đối. Hai năm sau, anh quay lại vùng 3 làm nhân viên kỹ thuật. Nhưng ước mơ phấn đấu vươn lên của anh không dừng lại ở đó. Thêm một năm đèn sách nữa, Quân quyết định thi vào Học viện Hải quân. Và anh đã một lần nữa đỗ với số điểm cao.

Quân tâm sự, quyết tâm trở thành một sĩ quan hải quân, anh đã phải... “đi đường vòng”. Gia đình anh nhiều người theo con đường binh nghiệp, bố, cô và chú đều làm trong quân đội, nhưng không có ai là lính biển. Quân theo đuổi hải quân, vì nó gắn với biển.

Giờ đây, Quân đã học năm cuối Khoa Hàng hải, chuyên ngành Điều khiển tàu biển. Trong bốn năm qua, hai năm anh đạt học viên giỏi, còn hai năm anh được bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Là lớp trưởng, ngoài phấn đấu rèn luyện bản thân, Quân còn có trách nhiệm lo lắng cho anh em. Ai học tập, rèn luyện chưa tốt thì phân công những đồng chí tốt hơn kèm cặp. 21 học viên trong lớp đều coi Quân như người anh cả.

Khác với Huân và Tuấn, Quân chưa một lần được ra đảo. Nhưng sắp tới, Quân sẽ đi thực tập cuối khóa. Và mơ ước được điều khiển những con tàu hiện đại, đến với những hòn đảo đang sắp thành hiện thực với chàng trai 28 tuổi này. “Đi trên những chặng đường ngắn trước khi ra đường dài vẫn chưa muộn. Và đích đến của em vẫn là biển”, Trương Hồng Quân rắn rỏi trả lời.

Ðêm Ba mươi Tết năm đó, đám lính trẻ cầm kẹo bánh đi chúc Tết và chia hết các vọng gác quanh đảo. Những người lính sau phiên gác quay về quây quần quanh nồi bánh chưng. Nhưng ai cũng gà gật do mệt nên nồi bánh cháy khét lúc nào không hay...

LÊ HỒNG VÂN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm