Ăn gì ngày Tết? Ăn thế nào để ngon mà vẫn tốt cho sức khỏe? Đây là những câu hỏi khiến các bà nội trợ luôn phải “vò đầu bứt tai” khi Tết đến Xuân về.
Bữa ăn đủ tiêu chuẩn không thể chỉ có rau, đậu và trái
cây, mà cần phải có thịt, sữa và các loại chất béo khác.
Ngày thường, việc đi chợ mua thức ăn cũng đã khiến các bà nội trợ mất bao nhiêu neuron thần kinh. Riêng nghĩ xem hôm nay ăn món gì cho khác hôm qua cũng đã đủ mệt, chứ chưa nói đến chuyện ăn gì cho ngon, cho bổ; ăn gì để chống bệnh tim mạch, huyết áp, ung thư...
Ngày Tết, việc ăn gì lại càng phức tạp. Kỳ nghỉ Tết 9 ngày, mỗi ngày 3 bữa với các món ăn phải ngon, lạ, số món cũng phải nhiều hơn ngày thường… đúng là thách thức không nhỏ với người phụ nữ.
Tuy nhiên, nếu coi bữa ăn ngày Tết chỉ là một bữa cải thiện, cùng với những kiến thức cơ bản và đúng đắn về các loại thức ăn, lại biết cách kết hợp các loại thực phẩm với nhau và cân bằng thời gian giữa các bữa, các bà nội trợ sẽ thấy việc lo 27 bữa ăn trong 9 ngày Tết thật đơn giản.
Đó là, bữa ăn đủ tiêu chuẩn không thể chỉ có rau, đậu và trái cây, mà cần phải có thịt, sữa và các loại chất béo khác. Điểm quan trọng là cân bằng lượng thức ăn tuỳ thuộc vào thể trạng và nhu cầu từng người.
Nhưng, các bà các chị cần nhớ rằng, dù là ăn uống bình thường hay làm cỗ, đãi tiệc, hay ăn uống theo nhu cầu của mỗi cá nhân… thì tiêu chí đầu tiên vẫn là phải cân bằng giữa các nhóm dinh dưỡng. Trong đó, lượng rau quả và ngũ cốc bằng nhau, còn chất đạm (sữa, thịt, cá, trứng...) chỉ bằng một nửa nhóm thực phẩm trên.
Ngoài cân bằng chất dinh dưỡng trong bữa ăn, các bà nội trợ cũng nên cân đối lượng thức ăn trong 3 bữa chính.
Bữa sáng: Là bữa ăn quan trọng nhất, tuyệt đối không được bỏ qua, vì cơ thể vừa trải qua một đêm dài, nếu bỏ ăn sáng, hoặc ăn thiếu chất sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ và khả năng làm việc của ngày hôm đó. Đặc biệt trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ tuổi sinh nở càng cần phải chú trọng đến bữa ăn này.
Việc chuẩn bị một bữa sáng đạt tiêu chuẩn không khó. Nếu bạn thích sự giản tiện theo kiểu Tây thì bữa sáng gồm có bánh mỳ ăn kèm với trứng, bơ (hoặc bơ, mứt), rau xà lách, cà chua, thêm một cốc sữa tươi hoặc một cốc trái cây là bạn đã có ngay một suất ăn bổ dưỡng. Nên sử dụng bơ ít béo hoặc không béo.
Nếu bạn thích món ăn Việt thì hãy chọn mỳ, phở, hủ tiếu... Bữa sáng không nên ăn mặn.
Trẻ em thì chọn thực đơn khác một chút, đó là buộc phải có tinh bột để cung cấp năng lượng cho hoạt động của trẻ. Nhớ cho trẻ uống thêm sữa và ăn trái cây để cân bằng dưỡng chất.
Sau khi ăn sáng, hãy uống một tách trà hoặc cà phê pha thêm một chút mật ong để tăng cường năng lực hoạt động. Với một bữa sáng như vậy, bạn đã đủ sức để đi du xuân, đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, nếu có uống một chút rượu cũng không lo bị say.
Bữa trưa: Bình thường, bữa trưa cũng được xem là bữa chính, để giúp bạn có đủ sức lực cho các hoạt động buổi chiều.
Dịp lễ Tết, rất nhiều người do mải đi chơi nên tặc lưỡi bỏ qua bữa trưa, hoặc ăn uống qua loa. Vậy là mới 4 giờ chiều đã thấy hoa mắt, chóng mặt, vội vàng ăn một bữa thật no nê để lấy sức đi tiếp. Hậu quả là vừa mất cân bằng năng lượng, mất cân bằng dinh dưỡng, lại vừa dẫn đến thói quen ăn khuya - nguyên nhân gây dư thừa cân.
Trong dịp Tết, vào bữa trưa bạn hãy cho phép mình và gia đình “xả láng” một chút, nghĩa là ăn các món bổ dưỡng, các món xào mà bình thường bạn vẫn hạn chế. Đừng lo thừa chất, vì cuộc du xuân vào buổi chiều tối khiến bạn tiêu tốn rất nhiều năng lượng đấy.
Bữa tối: Nếu buổi trưa ăn nhiều, cộng với việc nhấm nháp mứt, trái cây, bánh kẹo khi đi thăm hỏi nhau, thì bữa tối bạn chỉ nên ăn nhẹ, vì thời gian từ lúc ăn tới lúc đi ngủ không nhiều, dạ dày không kịp tiêu hoá hết thức ăn. Một bát cháo thịt, cháo trứng, mỳ, phở là đủ cho năng lượng của bạn.
Trước khi đi ngủ, hãy uống một cốc sữa nóng không đường, tách kem, hoặc sữa đậu nành để “dằn bụng” và giúp giấc ngủ ngon hơn.
Chú ý: Bữa trưa và bữa tối không nên ăn quá nhiều muối và đường vì dễ mắc bệnh tiểu đường, nghẽn động mạch, bệnh tim.
BS. Cẩm Nga
Theo chinhphu.vn