Hạn hán khiến người dân phải để ruộng hoang, rời địa phương đến nơi khác tìm việc làm để nuôi gia đình.
Cụ bà Đồng Thị Nhiều ở nhà trông cháu, vì cha mẹ các cháu rời quê đi tìm kế sinh nhai
Do hạn hán, vào thời điểm này, Bình Thuận phải ngừng sản xuất hơn 15.400 héc-ta lúa đông xuân trên toàn tỉnh. Một khi ruộng bỏ hoang, người dân trong vùng hạn phải đối diện với việc thiếu đói do không có nguồn thu nhập. Họ vất vả tìm đủ mọi cách để có thể nuôi sống gia đình.
Vùng hạn Bình Thuận trời nắng như đổ lửa. Con kênh N3 dẫn nước thủy lợi từ hệ thống Đại Ninh về xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc cạn kiệt nước. Những đồng lúa khô khốc, trở thành nơi chăn thả gia súc trong mùa hạn.
Không thể sản xuất lúa, để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày bà Mã Thị Kim Loan (xã Hàm Trí) phải đội nắng đi từ cánh đồng này qua cánh đồng khác lượm phân bò về bán, một ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng.
Bà Loan bày tỏ: “Nhà tôi có 2 sào rưỡi ruộng, mà mùa này không có nước, tôi đi lượm phân bò để kiếm sống để có tiền phụ vào mua cá mua mắm. Còn chồng có ngày đi làm, có ngày cũng ở nhà không có việc làm. Cuộc sống gia đình rất khó khăn”.
Tại thôn Lâm Giang, cụ bà Đồng Thị Nhiều đang ở nhà trông 3 đứa cháu nhỏ. Vì ruộng không có nước sản xuất, nên con cái và dâu rể trong nhà buộc phải đi làm ăn xa.
Bà Đồng Thị Nhiều cho biết: “Mấy đứa con gửi cháu lại cho tôi chăm. Các con đi làm, đầy tháng thì nó gửi tiền về nhà mua bánh, mua cá cho con nó ăn. Lúc không có tiền, tôi cũng chạy ăn từng bữa, đi hái rau ngoài suối”.
Vụ này, toàn xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc có hơn 1.000 héc-ta lúa phải ngừng sản xuất do hạn. Riêng thôn thuần đồng bào Chăm Lâm Giang có hơn 320 héc-ta lúa bỏ hoang. Cuộc sống người dân ở đây vốn đã khó nay càng khó hơn. Từ sau Tết đến nay, nhiều lao động chính trong thôn Lâm Giang phải rời địa phương đến nơi khác tìm công ăn việc làm.
Ông Khê Thanh Mai, Thôn trưởng thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Không có làm đông xuân thì ở đây bà con cũng khó khăn nhiều. Phân tán đi tìm công ăn việc làm. Nông dân đi nơi khác, thấy chỗ nào có việc thì xin làm. Còn phụ nữ già già, choai choai đi lượm phân. Thanh niên thì đi xin công ty làm. Cuộc sống khó khăn lắm”.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, các hồ thủy lợi trên toàn tỉnh hiện chỉ còn khoảng 111 triệu m3, xấp xỉ một phần hai dung tích thiết kế. Hồ thủy điện Đại Ninh, nguồn bổ sung nước cho hệ thống thủy lợi ở Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình còn chưa đầy 29% dung tích thiết kế. Nước thiếu, nhiều cánh đồng phải bỏ trắng. Toàn tỉnh phải ngừng sản xuất hơn 15.400 héc-ta lúa đông xuân, phần lớn tập trung ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.
Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương nắm bắt tình hình, rà soát cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho các gia đình đang gặp khó khăn, nhất là các hộ có nguy cơ thiếu đói do hạn hán. Trên tinh thần “Không để dân đói, dân khát” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Bình Thuận đã tính đến các giải pháp hỗ trợ cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều gia đình khó khăn thiệt hại do hạn hán. Đối với các đối tượng này, ngoài hỗ trợ chung theo quy định, tỉnh tính đến chuyện phải làm sao để vận động rất nhiều nguồn lực, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các tổ chức cá nhân có điều kiện hỗ trợ thêm cho bà con. Ngân sách của tỉnh rất có hạn, cho nên khi cần thiết, tỉnh cũng sẽ kiến nghị Trung ương, để có những hỗ trợ đột xuất, đặc biệt cho bà con nông dân.
Ở khu vực Nam Trung Bộ, Bình Thuận được đánh giá là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt hạn hán năm nay. Theo dự báo hạn hán tiếp tục kéo dài đến tháng 8, do đó nông dân sống trong vùng nắng hạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong thời gian đến.
Hiện tỉnh Bình Thuận cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 106 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả hạn hán, ổn định cuộc sống cho người dân./.
Theo Việt Quốc/VOV.VN