Những câu hát vọng buồn từ trăm năm về những người đi biển Hoàng Sa như “nhập” vào người đàn bà này.
Bà Hảo hát trong buổi lễ đặt viên đá xây khu tưởng niệm Hoàng Sa trên núi Thới Lới (Lý Sơn, Quảng Ngãi) ngày 17-1 - Ảnh: TRẦN MAI
Bà là Đỗ Thị Hảo (70 tuổi, xã An Vĩnh) - người phụ nữ cuối cùng trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sở hữu kho sử thi đồ sộ về Hoàng Sa - Trường Sa.
Tiếng hát hò trên đảo xa
Nhà báo, đạo diễn Phan Thanh Hải, người viết kịch bản chính cho chương trình khai mạc lễ tưởng niệm và đặt viên đá đầu tiên xây tượng đài khu tưởng niệm Hoàng Sa trên núi Thới Lới (Lý Sơn), khoe rằng: “Hãy đón đợi một bất ngờ từ buổi lễ!”. Và thật vậy, hàng ngàn người dân, quan chức, báo chí không ai cầm được nước mắt khi bà Hảo bước lên sân khấu ngân lên tiếng hát ru về Hoàng Sa.
“Ơ ơ ơ... Lý Sơn biển đảo xa xôi/ Quanh năm sóng vỗ biển trời bao la/ À à à ơi ơi ơ.../ Lý Sơn nhớ Hoàng - Trường Sa/ Ông cha ngày trước đã ra canh phòng/ Hoàng Sa đi có về không/ Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi/ À ơi, chớ Hoàng Sa trời nước bốn bề/ Đội quân Bắc Hải quyết thề báo an/ Gặp khi bão tố gian nan/ Đói ăn rong biển trứng nhàn mà thay cơm/ Việt Nam quyết chí không sờn/ Sử còn ghi chép rõ ràng mười mươi...”.
Không tiếng nhạc, tiếng kèn, chỉ có tiếng hò hát du dương hòa trong tiếng sóng vỗ về câu chuyện Hoàng Sa từ trăm năm trước khiến lòng người nức nghẹn.
Bên dưới hàng ghế, ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ - nguyên chủ tịch huyện Hoàng Sa, GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng không ai nói với nhau lời nào, họ ngồi lặng lẽ với cặp mắt đỏ hoe nhìn lên sân khấu.
Bước khó nhọc xuống con dốc trên đỉnh Thới Lới, bà Hảo chia sẻ rằng không biết từ bao giờ những câu hát về Hoàng Sa - Trường Sa, về biển đảo cứ cuốn hút bà qua năm tháng.
“Lúc 6-7 tuổi, tôi đã nghe nội của mình hát ru cháu bằng những điệu hò ốc u buồn buồn như vậy. Rồi lớn lên chút nữa, lúc 11-12 tuổi tôi theo các đàn chị nghe những điệu hát đầm nhà. Khi mười tám, đôi mươi tôi tham gia cùng các cô, các chị trải chiếu dưới đất hát đối đáp, hò khoan cùng nhau dưới ánh trăng trên đảo” - bà Hảo tâm sự.
Kéo chiếc khăn mặt lau giọt mồ hôi trán, bà Hảo kể rằng Lý Sơn ngày trước còn hoang sơ lắm. Không điện đài, chỉ có ánh đèn dầu leo lắt, không tiếng động cơ ồn ào huyên náo. Những người đàn ông quanh năm giăng buồm bám biển, trên đảo chỉ còn lại những người đàn bà và cánh đồng tỏi trơ trọi. Nỗi nhớ chồng con, cha anh, họ chỉ biết gửi vào câu hát, điệu ru.
Lý Sơn ngày trước chỉ có những căn nhà được dựng lên trên nền đất nện. Và những người đàn ông, phụ nữ thường hát đối đáp với nhau khi cùng đầm nền nhà. “Những người ngư dân ở đây ngày trước chữ nghĩa không nhiều nhưng họ thông minh lắm. Câu hát gì họ đối đáp cũng mau lẹ và vần điệu như trời cho” - bà Hảo nói.
Bà Hảo không biết mình thuộc bao nhiêu bài hát ru, điệu hò về biển đảo. Bà không đọc được thành lời như đọc thơ, nhưng khi ngân giọng hò lên thì lại nhớ từng câu, từng chữ. Đặc biệt khi hát ru cháu con thì lời bài hát xưa cứ thế dâng trào như thác lũ ùa về qua ký ức.
Bà bảo trong hàng trăm bài hát về biển đảo thì bài ốc u là bài hát lột tả nhiều nhất và đúng nhất về thân phận của người phụ nữ trên hòn đảo này, bởi hơn ai hết, câu chuyện kéo dài từ đời này qua đời khác về thân phận người phụ nữ chờ chồng được khắc họa vào đây.
Chuyện loài ốc u
Dừng lời kể giữa chừng, đôi mắt nhìn về xa khơi, nơi con sóng bạc đầu gào thét, bà Hảo chợt ngân lên: “Con ơi con ngủ cho mau/ Để mẹ nấu cháo luộc rau cha dùng/ Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta/ Để người ngoại quốc xâm vào chẳng yên/ Con ơi con ngủ cho yên/ Để mẹ đi tiễn cha con xuống thuyền...”.
Hát xong, bà giải thích rằng ngày trước mỗi lần nghe tiếng ốc u vang lên từ bến vắng trên con tàu là lòng dạ của người phụ nữ trên đảo như quặn thắt. Tiếng ốc u thổi lên là báo hiệu một cuộc chia xa đằng đẵng... Ốc u là loài ốc nằm sâu dưới đáy biển, thân xoắn thành từng lớp, bên trong có những vách ngăn mỏng mà ngày trước người đi biển thường chọc thủng phía sau đuôi ốc để làm chiếc kèn thổi như tiếng tù và báo hiệu.
“Điều lạ lùng là đàn bà trên đảo nghe tiếng ốc u kêu lại sợ. Tiếng ốc u có thể báo hiệu tàu về, họ ra bến chờ đón chồng. Hoặc là tiếng báo hiệu tàu sắp chia xa, rời bến để người phụ nữ tiễn đưa. Mà ngày trước đưa đi thì nhiều, đón người về có được bao nhiêu. Đi biển lúc đó không như bây giờ, không liên lạc, không Icom. Đi là biền biệt, có người về có người vĩnh viễn nằm lại khơi xa...” - bà Hảo giải thích.
Theo chân bà Hảo, chúng tôi về căn nhà nhỏ nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ phía âm linh tự. Những đóa hoa cù lỳ sần sùi trước sân nhà nở trắng rung rinh trong ngày trời trở gió bấc. Trên bức tường cũ ố màu thời gian, những tấm bằng khen chi chít từ cấp xã, huyện, tỉnh được treo kín. Bà bảo đó là những kỷ niệm của một đời theo nghiệp hát ru, hát hò khoan của bà được chính quyền các cấp công nhận.
“Tôi không nghĩ mình theo nghiệp hát nhưng đó là cái duyên gắn vào mình. Bây giờ cứ lễ hội lớn nhỏ, từ xóm giềng đến thôn xã, thậm chí những cuộc thi ở cấp tỉnh họ đều mời đi hát. Trời cho mình trí nhớ và cái giọng hát ru, nghe hát ru là tôi nhớ như in. Hơn nữa, những tiền bối hát hò, hát ru trên đảo đã tàn lụi dần theo thời gian, chẳng còn ai nên mình phải hát...” - bà Hảo khiêm nhường nói.
TẤN VŨ - TRẦN MAI
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160228/nguoi-phu-nu-hat-dieu-oc-u-ve-bien-dao/1058563.html