Bộ Tài chính cho rằng, thông tin báo chí nói doanh nghiệp làm được 10 đồng thì thuế "ăn" 4 đồng là không chính xác.
Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ
dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP. (Ảnh minh họa: KT)
Báo chí vừa phản ánh việc doanh nghiệp Việt Nam phải dành gần 40% lợi nhuận để nộp thuế là quá lớn, vượt quá mức chịu đựng của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và là một trong những nguyên nhân khiến số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, dừng hoạt động tăng cao.
Phản hồi đối với thông tin này, Bộ Tài chính cho rằng, tiêu đề chung của bài viết “làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng” dẫn đến cách hiểu tỷ lệ thu thuế/lợi nhuận của doanh nghiệp tại Việt Nam ở mức cao là chưa đúng.
Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP
Giải thích rõ hơn, Bộ Tài chính cho biết: Đối với thuế, phí trong lĩnh vực tài chính, là khoản huy động của Nhà nước từ doanh nghiệp, cá nhân trong xã hội nhằm phục vụ tài chính cho các hoạt động của Nhà nước và mang tính chất hoàn trả gián tiếp. Để so sánh tương quan giữa các quốc gia, thường sử dụng tiêu chí về tỷ lệ % giữa số huy động từ thuế, phí tính trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). So với các nước, việc xây dựng, tính toán số thu ngân sách ở Việt Nam có đặc thù cần lưu ý khi so sánh về mức độ động viên ngân sách của Việt Nam với các nước.
Hiện nay, số thu ngân sách từ thuế, phí của nhiều nước theo số liệu được tổ chức quốc tế tổng hợp và công bố thường chỉ là số thu của ngân sách của chính quyền trung ương do hệ thống ngân sách của các nước này có sự độc lập giữa các cấp ngân sách. Trong khi đó, hệ thống ngân sách của Việt Nam bao gồm 4 cấp: trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Vì vậy số thu ngân sách được công bố, công khai hàng năm luôn bao gồm nguồn thu của tất cả 4 cấp ngân sách trong hệ thống ngân sách (tức là bao gồm cả Trung ương và địa phương).
Về các chỉ tiêu trong tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, theo phương thức thống kê thu ngân sách của Việt Nam thì nguồn thu từ dầu thô, từ quyền sử dụng đất, từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cũng được tính chung vào nguồn thu ngân sách, trong đó riêng thu từ dầu thô đang được xếp vào khoản thu từ thuế như thu từ các sắc thuế khác. Tuy nhiên xét về bản chất thì các khoản thu này không mang tính chất là khoản động viên từ nền kinh tế.
Ở nhiều nước, các khoản thu này được xếp vào các nhóm khoản thu “từ vốn” (thu từ bán tài nguyên quốc gia) và không được tính vào nguồn thu ngân sách như là khoản động viên từ thuế, phí. Ví dụ như trường hợp của Trung Quốc, nguồn động viên ngân sách không thể hiện các khoản thu từ dầu thô, thu từ đất đai, thu từ bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước như ở Việt Nam.
Do đó, theo Bộ này, để đảm bảo tính chính xác, phản ánh đúng thực tế thì việc so sánh về tỷ lệ thu ngân sách nhà nước tính trên GDP ở Việt Nam với các nước cần phải dựa trên các tiêu chí đồng nhất và cùng bản chất. Nếu chỉ so sánh riêng tỷ lệ huy động từ thuế, phí tính trên GDP thì với những đặc thù về cơ cấu thu và phương thức hạch toán thu ngân sách có sự khác biệt giữa Việt Nam và các nước như phân tích ở trên thì nguồn số liệu ngân sách ở Việt Nam được sử dụng để so sánh với các nước cần phải loại trừ các khoản thu có tính chất khác biệt, các khoản thu có bản chất “thu từ vốn” và không mang tính chất động viên từ hoạt động kinh tế.
Cụ thể, tính trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015: Tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí (bao gồm cả thu từ dầu thô) ở Việt Nam khoảng 20,9% GDP. Nếu loại trừ thu từ dầu thô thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí tính chung ở Việt Nam khoảng 17,2% GDP. Và nếu tiếp tục loại trừ thu từ tiền sử dụng đất thì tỷ lệ động viên ngân sách từ thuế, phí ở Việt Nam vào khoảng 15,6%. Và tỷ lệ động viên của các sắc thuế chính ở mức thấp và đang được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần.
Gộp cả phí bảo hiểm, phí công đoàn vào thuế là không chính xác
Bộ Tài chính khẳng định, các khoản đóng góp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn thì không thuộc về khoản huy động tài chính của nhà nước mà đây là các khoản đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động nhằm bảo đảm các chính sách an sinh cho bản thân người lao động, vì vậy có bài báo gộp cả những khoản đóng góp này vào để cho rằng “thuế “ăn” là không chính xác.
Cụ thể, việc đóng góp bảo hiểm xã hội nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết; hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khi gặp khó khăn; việc đóng góp bảo hiểm y tế là nhằm chăm lo sức khoẻ, chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người lao động khi ốm đau, bệnh tật, nhất là những người mắc bệnh nặng phải điều trị dài ngày với chi phí lớn.
Còn khoản đóng góp kinh phí công đoàn chủ yếu là để sử dụng cho các hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn; tổ chức hoạt động chăm lo khác cho người lao động tại doanh nghệp. Như vậy, các khoản đóng góp này mang tính chất hoàn trả trực tiếp cho người đóng bảo hiểm, đảm bảo lợi ích cho người lao động.
Về công tác quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay kinh phí công đoàn được thực hiện bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…).
Để hỗ trợ doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, về phía Bộ Tài chính, trong việc xây dựng chính sách về tài chính (đặc biệt là chính sách thuế) đã có quy định việc chi phí của doanh nghiệp để đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tính vào khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; các dịch vụ bảo hiểm cũng không phải chịu thuế GTGT…/.
Theo Xuân Thân/VOV.VN