Cập nhật: 03/03/2016 09:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh niên cao nhất trong lịch sử, chiếm gần 1/3 dân số cả nước, đây là cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. 

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Cổ phần đầu tư

và thương mại TNG, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Để phát huy được hết tiềm năng của thanh niên, đòi hỏi phải hoạch định những chính sách phát triển toàn diện, từ giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm đến chăm sóc sức khỏe.

Lắng nghe kinh nghiệm của các nước phát triển để xây dựng chính sách phát triển thanh niên Việt Nam và sửa đổi Luật Thanh niên phù hợp với điều kiện hiện nay là nội dung chính của Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thanh niên do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức sáng 2/3, tại Hà Nội.

Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho thấy thanh niên (từ 16-30 tuổi) đang chiếm 27,7% dân số, là lực lượng xã hội to lớn, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác phát triển thanh niên, tuy nhiên, thanh thiếu niên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để có thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) cho biết tỷ lệ thanh niên Việt Nam có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp, chỉ chiếm 4,3% và có sự khác biệt về trình độ học vấn theo vùng miền, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nhóm dân tộc. Có đến 10,7% thanh niên chưa tốt nghiệp tiểu học.

Nhiều địa phương ở vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn có trên 50% thanh niên lứa tuổi 16-19 ngừng học.

Số thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 50,3% trong tổng số người thất nghiệp của cả nước.

Thất nghiệp ở khu vực thành thị cao hơn ở nông thôn, nữ giới cao hơn nam giới, điều đó cho thấy thanh niên là nhóm dễ tổn thương với biến động kinh tế, xã hội.

Theo bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, trong xã hội hiện nay vẫn còn một số nhóm thanh niên có ít cơ hội hơn, ví dụ thanh niên là nữ có ít việc làm hơn, học vấn cũng thấp hơn, hay nói cách khác vẫn còn sự bất bình đẳng trong các nhóm thanh niên trong xã hội.

Ngoài ra, còn có sự khác biệt giữa thanh niên ở vùng nông thôn, vùng đô thị, những khoảng trống này cần có chính sách để khỏa lấp và mang lại cơ hội nhiều hơn cho thanh niên.

Cũng theo bà Astrid Bant, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, đây là động lực rất tốt để phát triển kinh tế của quốc gia. Cần có một chính sách mạnh mẽ hơn cho thanh niên trong thời gian tới, đảm bảo cung cấp các cơ hội bình đẳng cho tất cả các thanh niên.

Những lợi ích của dân số vàng chỉ có thể đạt được nếu đầu tư nâng cao năng suất lao động của họ để họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Thời kỳ dân số vàng sẽ không kéo dài, do đó cần tạo những cơ hội tốt nhất để đào tạo nâng cao học vấn cho nhóm dân số này và tạo những cơ hội để họ trở nên hiệu quả hơn và hữu ích hơn cho nền kinh tế.

Dân số vàng là động lực rất tốt để phát triển kinh tế của quốc gia, bởi những nhóm thanh niên trong thời kỳ dân số vàng này họ kiếm được tiền nhưng họ không phải chi tiêu nhiều, không phải chi tiêu cho cha mẹ vì cha mẹ còn trẻ, vẫn kiếm được tiền, chưa phải chi tiêu cho con cái vì chưa có gia đình, nhưng những lợi ích của dân số vàng chỉ có thể đạt được nếu chúng ta đầu tư nâng cao năng suất lao động của họ để họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn.

Thời kỳ dân số vàng sẽ không kéo dài lâu vì ngày càng có nhiều người già hơn trong xã hội, do đó chúng ta hãy tạo những cơ hội tốt nhất để có thể đào tạo cho những nhóm dân số này để nâng cao học vấn của họ và tạo những cơ hội để họ trở nên hiệu quả hơn và hữu ích hơn cho nền kinh tế.

Từng có hơn 45 năm tham gia thực hiện công tác thanh niên, tiến sỹ Howard Williamson, giáo sư về chính sách phát triển thanh niên châu Âu, Đại học South Wales nhận định những chiến lược phát triển thanh niên nên xoay quanh về các vấn đề tạo dựng tinh thần doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào thị trường lao động, đẩy mạnh các chương trình giáo dục.

Một chính sách thanh niên cần phải mang tính chất toàn diện, phải đề cập đến tất cả các bình diện, ví dụ như đi học của thanh niên, việc họ tham gia chuẩn bị cho thị trường lao động thế nào, các vấn đề về sức khỏe y tế, hay hệ thống tư pháp thế nào để phù hợp với thanh niên.

Có thể nói bảo vệ quyền lợi và đầu tư cho tương lai của giới trẻ bằng cách giúp người trẻ được tiếp cận giáo dục có chất lượng, việc làm ổn định, nâng cao kỹ năng sống, tiếp cận dịch vụ và thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và giáo dục giới tính toàn diện là điều cần thiết để xây dựng một lớp thanh niên phát triển toàn diện và có những tố chất tốt, trở thành nguồn nhân lực tốt cho tương lai.

Ông Vũ Đăng Minh cho hay, chính sách cho thanh niên là mặt cắt ngang, không thuộc lĩnh vực của một Bộ nào mà đòi hỏi sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện chính sách pháp luật về thanh niên.

Hiện, Bộ Nội vụ đang chủ động tham mưu đề xuất cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về thanh niên, trong đó có việc trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật thanh niên, quy định rõ quyền tiếp cận mới theo hướng bảo đảm cho thanh niên được thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.

Theo CHU THANH VÂN (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nang-cao-hoc-van-thanh-nien-de-phat-huy-tiem-nang-dan-so-vang/373902.vnp

Tệp đính kèm