Năm 2016 sẽ khống chế chất cấm, tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết các
trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đều được
phát hiện qua thanh tra đột xuất và thông tin đường dây nóng.
“Năm 2016 xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả” - đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đợt cao điểm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp diễn ra ngày 3/3 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù đạt nhiều kết quả trong chấn chỉnh tình trạng mất an toàn thực phẩm trong nông nghiệp nói chung, kiểm soát chất cấm nói riêng nhưng nếu cơ quan chức năng lơ là, tình trạng tái sử dụng có thể xảy ra. Vì vậy, các trang trại và lò mổ tiếp tục sẽ là tâm điểm để cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện chất cấm.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, về lâu dài cần phải xây dựng các chuỗi nông sản an toàn thực phẩm. Muốn làm được điều này cần phải tổ chức lại sản xuất, có cơ chế chính sách cơ chế khuyến khích nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia.
“Muốn có sản phẩm có nguồn gốc đảm bảo, người nông dân và doanh nghiệp phải tổ chức các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Hiện nay, khâu hướng dẫn tiêu thụ đang rất yếu, đã có nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất và chế biến, nhưng hỗ trợ chỉ dẫn sản phẩm nông sản an toàn đối với người tiêu dùng lại vẫn còn hạn chế nên đề nghị phải bổ sung thêm chính sách cho khâu này”, ông Việt đề xuất.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ: An toàn thực phẩm nông sản là nhiệm vụ ưu tiên số 1 của ngành. Phải chọn ra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, xử lý.
Trong vòng 2 tháng tới, Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt và Tổng cục Thủy sản phải hoàn thành sửa đổi Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP để khuyến khích nông dân sản xuất nông sản có xác nhận an toàn.
Đồng thời đề nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến mức tồn dư tối thiểu các loại kháng sinh để từ đó Bộ NN&PTNT cũng như địa phương có cơ sở để giám sát và xử lý vi phạm…
“Trong 4 tháng tới các Bộ, ngành có liên quan sẽ tập trung kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Vấn đề này phức tạp nhưng với kinh nghiệm trong xử lý chất cấm nếu cùng phối hợp tập trung chỉ đạo có thể làm được. Tiếp đến là xử lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, quả. Bộ NN&PTNTsẽ cùng với các địa phương hành động quyết liệt thuốc bảo vệ thực vật, thuốc giả, kém chất lượng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ./.
Theo Minh Long/VOV.VN - Trung tâm tin