Tỉnh Bạc Liêu tổ chức 16 điểm trình diễn thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ trong chương trình 1 phải - 5 giảm và ứng phó với tình trạng khô hạn trên diện tích 650ha với 600 hộ nông dân tham gia.
Các con kênh nội đồng ở xã Phong Tân (thị xã Giá Rai, tỉnh
Bạc Liêu) đang cạn nước. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)
Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha vụ Thu Đông, tăng hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình. Việc thực mô hình giúp lợi nhuận tăng thêm 6,2 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, phương pháp này phù hợp với vùng thiếu nước và khô hạn. Cụ thể tại ấp Ninh Chài xã Ninh Quới A huyện Hồng Dân, hộ của nông dân Nguyễn Văn Hai, có 2ha đất làm lúa Thu Đông trong giai đoạn làm đòng trổ bông bị khô hạn, được hướng dân áp dụng kỹ thuật trên.
Sau một tuần tưới nước theo theo cách ngập khô xen kẽ, ruộng lúa đã hồi phục trở lại và cho năng suất đạt 7 tấn/ha.
Mô hình tưới ngập khô xen kẽ này còn áp dụng có hiệu quả ở vụ lúa Đông Xuân. Hiện mô hình được ứng dụng tại huyện Phước Long và Hồng Dân. Hàng nghìn ha lúa Đông Xuân có nguy cơ thiếu nước khi áp dụng tưới ngập khô xen kẽ giúp lúa hồi phục, phát triển trở lại.
Theo ông Đặng Văn Dũng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lương thực Vĩnh Lộc huyện Hồng Dân nông dân cần liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn và áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất như cách tưới ngập khô xen kẽ, bảo đảm cây lúa phát triển tốt./.
Theo CAO THĂNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/gioi-thieu-phuong-phap-canh-tac-moi-phu-hop-voi-vung-kho-han/374433.vnp