Lồng ruột cấp là tình trạng một đoạn ruột chui vào một đoạn ruột khác, gây nên tắc ruột cấp tính.
Triệu chứng
• Khi đang sinh hoạt bình thường đột nhiên trẻ đau bụng, khóc thét, bỏ ăn, bỏ bú. Sau cơn đau, trẻ có thể bú lại bình thường nhưng cơn đau sẽ trở lại sau đó. Thông thường mỗi cơn đau cách nhau vài ba phút.
• Tiếp theo trẻ nôn ói nhiều, lúc đầu là nôn ra dịch trắng sau đó chuyển qua màu vàng hoặc xanh.
• Khoảng 5-6 giờ sau thấy đi tiêu ra máu. Dấu hiệu này lại dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ.
Nguyên nhân
Lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể do nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tự phát. Lồng ruột không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng gọi là lồng ruột vô căn hay lồng ruột tự phát. Lồng ruột tự phát chiếm khoảng 75-90% số ca lồng ruột. Nhiều người cho rằng trong lúc vui đùa, người lớn tung hứng trẻ, khiến trẻ bị lồng ruột, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.
Trẻ bị lồng ruột có thể do một số căn nguyên sau:
• Trẻ mắc những bệnh trong ruột như u máu trong lòng ruột, hoặc các u ác tính.
• Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tai mũi họng và nhiễm khuẩn đường ruột.
• Thay đổi loại sữa trẻ đang dùng một cách đột ngột làm cho nhu động ruột bất ngờ bị biến đổi, dễ gây ra bệnh lồng ruột.
Cách phòng chống
Có nhiều phương pháp điều trị lồng ruột như: tháo lồng bằng bơm hơi đại tràng, tháo lồng bằng thụt Baryt đại tràng, tháo lồng bằng thụt nước muối sinh lý vào đại tràng, phẫu thuật tháo lồng bằng tay, phẫu thuật cắt nối ruột, điều trị bằng phẫu thuật nội soi...
Trường hợp bệnh nhi được đưa đến bệnh viện quá muộn, tình trạng bệnh nghiêm trọng thì phải phẫu thuật. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của lồng ruột, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Theo suckhoedoisong.vn