Cập nhật: 08/03/2016 09:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà khoa học nữ Đặng Thị Cẩm Hà và các đồng nghiệp xử lý thành công đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin thành đất nông nghiệp.

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà hướng dẫn các

nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm

Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đất đai màu mỡ thuận lợi phát triển nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Nếu người dân biết áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào khai thác nguồn tài nguyên quý giá được thiên nhiên ban tặng thì đất nước ta sẽ trở nên giàu có sánh vai với nhiều cường quốc trên thế giới.

Với suy nghĩ như vậy, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam luôn đau đáu suy nghĩ và mong muốn mang những kiến thức, kinh nghiệm đã học được ở nhiều nước trên thế giới để nghiên cứu những công trình khoa học thiết thực, hữu ích cho quê hương và giảm sức lao động của con người.

Sinh năm 1952, với hơn 20 năm say mê nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố 146 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học, bà vừa vinh dự được Liên Hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

Nhắc đến PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà là không thể không kể đến những công trình nổi bật trong làm sạch dầu ô nhiễm, xử lý thuốc nhuộm, biến đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin thành  đất có thể canh tác nông nghiệp hay sử dụng vào các mục đích dân sinh khác...

Công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh hoc (bioremediation) là một trong số những công trình lớn mà nhà khoa học Cẩm Hà cùng với các học trò và đồng nghiệp đầu tư nhiều công sức. Đặc biệt, công trình được tạo ra từ năm 1998 cho đến nay vẫn hoạt động tốt tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc thuộc Công ty Xăng dầu B12. Do công nghệ được thực hiện có hiệu quả nên sau 17 năm hoạt động liên tục, quy trình công nghệ và các chế phẩm vẫn được duy trì.

Với công nghệ xử lý loại màu thuốc nhuộm hoạt tính bằng tổ hợp của các enzyme laccase mà PGS.TS Cẩm Hà và các đồng nghiệp nghiên cứu đã cho thấy, hầu hết các màu thuốc nhuộm hoạt tính tổng hợp và thương mại hiện đang sử dụng để nhuộm vải ở Việt Nam đều được loại bỏ ở các mức độ khác nhau từ 20-96% trong thời gian ngắn.

Công nghệ có thể ứng dụng không chỉ cho xử lý loại màu thuốc nhuộm mà còn xử lý cả các chất ô nhiễm nồng độ thấp. Các chất này hiện là mối đe dọa rất lớn đến sức khỏe cộng đồng bởi chúng làm hỏng hệ nội tiết, gây nên hàng loạt bệnh hiểm nghèo và thay đổi giới tính.

Sự sống hồi sinh từ vùng đất “chết”

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học chứa dioxin. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm nhưng tại các điểm nóng như sân bay Phù Cát, Biên Hòa, Đà Nẵng và một số nơi khác trên đất nước vẫn bị ô nhiễm dioxin thuộc loại cao nhất thế giới.

Có lẽ trong hàng chục đề tài khoa học, chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation) mà PGS.TS Cẩm Hà và các đồng nghiệp nghiên cứu trong 10 năm (từ năm 1999-2009) đã tạo bước đột phá khi biến đất nhiễm dioxin có thể thành đất canh tác nông nghiệp thường xuyên với chi phí chỉ khoảng 1/7 so với công nghệ Mỹ.

Công trình đã mở ra cơ hội làm sạch đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở các điểm nóng với chi phí thấp, an toàn và vì công nghệ thuộc loại nội lực nên phù hợp với điều kiện khoa học công nghệ hiện nay của Việt Nam.

Con đường nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng dễ dàng, bằng phẳng mà nhiều thử thách, thành công và thất bại luôn đan xen. Trong quá trình thực hiện công trình xử lý khử độc đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin, PGS.TS Cẩm Hà và các đồng nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực và cả sự mệt mỏi khi phải làm việc ở môi trường ô nhiễm nặng chất diệt cỏ/dioxin.

Tuy nhiên, cứ nghĩ đến những anh em, bạn bè không bao giờ trở về từ chiến trường, những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc dioxin, rất nhiều số phận, mảnh đời bị ảnh hưởng bởi chất độc nguy hiểm này là bà lại động viên mọi người không được nản lòng, cố gắng vượt qua trở ngại để thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất.

Không phải chỉ có nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, nhà khoa học Đặng Thị Cẩm Hà cũng mặc quần áo bảo hộ, lặn lội xuống hiện trường cùng với các nhà khoa học trẻ và sỹ quan quân đội lấy mẫu đất nhiễm dioxin để khảo sát toàn bộ hệ vi sinh vật xem có phân hủy hay không. Không chỉ lấy mẫu đất một lần là có kết quả ngay, PGS.TS Cẩm Hà cùng đồng nghiệp phải thực hiện lấy mẫu và phân tích đánh giá rất nhiều lần.

Sau 6 tháng, các nhà khoa học phải xem lại nồng độ dioxin trong đất giảm đi bao nhiêu, biến đổi số lượng vi sinh vật và thực hiện bơm các chất nuôi vi sinh vật có sẵn trong đất để chúng sinh trưởng, phát triển và thực hiện chức năng như chuyển hóa, phân hủy, khoáng hóa các hỗn hợp chất độc trong đất. Kết quả cuối cùng là biến đất bị nhiễm dioxin thành đất đạt tiêu chuẩn sử dụng cho đất có thể trồng trọt được.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà và các đồng nghiệp đã xử lý thành công 3.384m3 đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở Biên Hòa, đất nhiễm chất độc sau khi xử lý có thể thành đất nông nghiệp. Kết quả của công trình đã được các cơ quan, tổ chức có uy tín ở trong nước và quốc tế đánh giá cao. Cho đến nay, chưa có một công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường qui mô lớn như ở Việt Nam.

Không dừng lại ở những thành quả đạt được, nhà khoa học nữ Cẩm Hà còn có nhiều ý tưởng mới và đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao hiệu quả khử độc đối với đất có tổng độ độc cao hơn và áp dụng công nghệ không chỉ xử lý đất ô nhiễm dioxin mà cho cả các chất hữu cơ khó phân hủy khác như: DDT, HCH...

Để có được những công trình nghiên cứu phục vụ thiết thực cho cuộc sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, những nhà khoa học nữ phải biết vượt qua những khó khăn, thiếu thốn vật chất và cả giới hạn của bản thân.

Trong nghiên cứu khoa học, tạo dựng được niềm yêu thích, đam mê chưa đủ mà mỗi nhà khoa học phải luôn có trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ mà xã hội, đất nước đang cần. PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà luôn suy nghĩ như vậy và lấy đó là lời khuyên đối với các bạn trẻ muốn “dấn thân” chọn lựa con đường nghiên cứu khoa học.

Đứng sau những thành quả đạt được hôm nay, nhà khoa học Đặng Thị Cẩm Hà luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía gia đình những lúc bà đi công tác xa nhà hay ở lại phòng thí nghiệm rất muộn để hoàn thành nốt những thí nghiệm đã đặt ra.

Khi khám phá, chinh phục được những công trình khoa học mới mẻ, không bao giờ PGS.TS Cẩm Hà chỉ nhắc đến nỗ lực của bản thân mà coi đó là công sức của tập thể các nhà khoa học, lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam qua các thời kỳ và cả những thầy cô giáo đã dạy dỗ, đồng nghiệp trong và ngoài nước cộng tác với bà từ những thời gian khó của đất nước cho đến ngày nay. Có lẽ vì thế mà hình ảnh những nhà khoa học trẻ lúc đất nước mới thống nhất mải mê nghiên cứu quên thời gian, đến lúc mệt mỏi, ăn trưa bên cặp lồng cơm chỉ có vài gọng rau muống, mấy quả cà và chút cá kho khô sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí bà.

Tâm sự về định hướng phát triển khoa học cho nước nhà, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà cho rằng, đất nước ta rất cần có đội ngũ các nhà khoa học trẻ yêu nghề, dám “hy sinh” cho nghiên cứu khoa học. Hiểu được vinh quang gặt hái được luôn song hành cùng trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước nên bên cạnh việc nghiên cứu, bà thường dành thời gian đào tạo, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm nghiên cứu khoa học tích lũy cả cuộc đời mình cho thế hệ trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học, học viện...

Cho đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 65 nhưng ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học vẫn luôn cháy ở người phụ nữ có mái tóc đã điểm bạc. Dường như khát khao chinh phục, khám phá những điều mới mẻ của chân trời khoa học luôn sáng mãi trong tâm trí của nhà khoa học nữ Đặng Thị Cẩm Hà khiến bà thường cất lên lời ca:

Em biết ta đi con đường khoa học

Không rắc đầy hoa mà lại còn nhiều mất mát

Dẫu có xa nhau đầu xanh điểm bạc

Em vẫn yên lòng nghe lời mẹ hát

Ngợi ca cuộc sống thanh bình

Thức trọn đêm khuya giải bài toán khó

Đỡ chút mồ hôi của người thợ mỏ

Hay xuyên rừng xanh tìm nhiều thứ quý

Dẫu nắng hay mưa ở tận hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên hay miền đất khác

Em vẫn cùng anh xây niềm mơ ước

Cuộc sống ấm no cho đàn em nhỏ

Em vẫn yêu anh và mãi đợi anh

Niềm hạnh phúc ngọt lành./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm