Ngày trở lại với biển, niềm vui đong đầy trên từng khuôn mặt của ngư dân Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Những con thuyền vượt sóng, vượt gió bao đời nay của ngư dân Sầm Sơn sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển
Trở lại Sầm Sơn ngày lặn gió nhưng cuộc sống nơi đây đã hối hả như cái vốn có tựa bao đời nay. Bận đang lúc ngư dân tấp cập bờ sau chuyến ra khơi, những con thuyền, những con người tân tảo, khuôn mặt đen sạm đi vì nắng nhưng vẫn bừng lên niềm vui ngày mới khi cá đầy khoang.
Trên bãi biển Sầm Sơn hôm nay khác 10 ngày liền trước đó, ngư dân đã trở lại với biển sau khi Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đối thoại trực tiếp với các ngư dân. Hối hả, tấp nập, vui mừng khi mỗi chiếc thuyền cập bến.
Vừa cấp bến, chiếc thuyền của ngư dân Cao Văn Hưng hôm nay trúng đậm đàn cá đục, anh cho biết: “Nhiều bữa nay, tôi không đi biển, nay xuống nghề lại trúng được đàn cá đục. Đúng là cũng may, hôm nay tôi đánh trúng mánh cá được gần 2 tạ cá đục, nếu tính ra tiền với giá 60.000 đồng/kg thì được hơn chục triệu đồng”.
Anh Hưng cho biết thêm, sau buổi đối thoại sáng ngày 7/3, Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết cho dân chúng tôi tiếp tục đi biển, neo đậu bến cũ bình thường nên chúng tôi rất vui, yên tâm để vươn xa bám biển.
Ở thuyền bên cạnh, chị Nhung đang hối hả cùng chồng mình gỡ cá đục, chị vui mừng lắm vì hôm nay chồng chị đi biển cá cũng đầy khoang. Chị Nhung cho biết, nhà nhiều miệng ăn, cả gia đình nghề chính là đi biển. Từ việc học đến tất tật các chi phí cũng từ nghề biển.
Còn ngư dân Trần Văn Thu, 61 tuổi (trú tại phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) vui mừng nói, sau nhiều ngày gác lái không ra khơi, nay chúng tôi mới tiếp tục đi biển. May mắn cũng được gần 20kg cá đục bán được hơn 800.000 đồng.
Nghề đi biển của ngư dân Sầm Sơn bình thường bắt đầu từ 3h sáng mỗi ngày. Đi biển là nghề chính của mỗi gia đình ở đây. Nghề biển, hôm nào thuận buồm xuôi gió thì kiếm cả tiền triệu, hôm không được cũng có thức ăn cho cả gia đình.
Vụ việc diễn ra tại Thanh Hóa 10 ngày trước đó, khi hàng trăm ngư dân Sầm Sơn tập trung lên UBND tỉnh Thanh Hóa để khiếu kiện việc phải di chuyển bến neo đậu tàu thuyền đi nơi khác, nhường chỗ cho một dự án du lịch.
Nhiều ngày căng thẳng, sáng 7/3, trực tiếp Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến đã về đất Sầm Sơn, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của ngư dân. Sau khi nghe, ông Chiến đã nhận trách nhiệm về mình.
Ông Chiến nói: “Việc người dân tập trung đông người trong những ngày qua là điều đáng tiếc. Dù góc độ nào, bản thân tôi nhận thấy mình có khuyết điểm, có trách nhiệm lớn với bà con. Tôi cũng nghe rất nhiều thông tin nhưng hoàn toàn sai sự thực, đi ngược với chủ trương của tỉnh, nhằm kích động người dân, một bộ phận người dân chưa được tuyên truyền nên đã tập trung đông người dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật.
“Tôi xin khẳng định. biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân chúng ta. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển giao cho bất cứ doanh nghiệp nào, không có chuyện đó. Vì làm như vậy là trái với chủ trương, trái với đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Sầm Sơn là bãi biển đẹp của nước ta, nhưng tiếc thay ta chưa khai thác hết tiềm năng. Do vậy, tỉnh có chủ trưởng cải tạo bờ biển thành bãi biển đẹp nhất cả nước. Hình ảnh của Thanh Hóa có tốt đẹp hay không, sự phát triển có tốt đẹp hay không thì hình ảnh của người Sầm Sơn rất quan trọng.
Buổi đối thoại kết thúc bằng lời khẳng định của vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hóa rằng: bà con cứ tiếp tục đi biển bình thường, không có bất cứ văn bản nào chỉ đạo bà con phải di chuyển tàu thuyền ở thời điểm nào hết.
Chứng kiến những ngư dân tần tảo bám biến mưu sinh bao đời, sau những “ồn ào” thì Sầm Sơn ngày mới đã trở lại. Ngư dân tiếp tục ra khơi, những khoang cá đầy như thiên nhiên đã bù đắp cho họ./.
Theo CTV Nguyễn Hải/VOV.VN