Nhiều ý kiến cho rằng quy định này giúp phụ huynh và học sinh quan tâm hơn đến luật, tuy nhiên việc học sinh nghỉ học 1 tuần sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy.
Việc xử phạt các học sinh vi phạm luật giao thông sẽ
được Hà Nội áp dụng từ năm học giai đoạn 2016 - 2020
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, bên cạnh việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong các sơ sở giáo dục ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, Sở này cũng nêu rõ hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm.
Cụ thể, “nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.
Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe”.
Sau khi các nội dung này được ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Có người phản đối cho rằng “vi phạm giao thông thì xử phạt là nhiệm vụ của CSGT, không liên quan đến ngành giáo dục!”.
TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, bà đồng tình với hình phạt này. Điều này cũng góp phần “răn đe” các bậc phụ huynh làm gương khi tham gia giao thông, bởi nhiều khi lỗi của trẻ em lại xuất phát từ chính người lớn.
TS. Vũ Thu Hương cho biết, ngay trong chương trình giáo dục mầm non, phần giáo dục ý thức an toàn giao thông đã có và là mục quan trọng. Giáo dục phổ thông thì cấp nào cũng nói đến việc này. Ở đây, nếu các học sinh biết mà vẫn vi phạm thì đương nhiên phải có những hình thức phạt cho thích đáng, không thể để các em vi phạm hết lần này đến lần khác được.
Thời tuổi thơ chính là độ tuổi học tập, rèn luyện để từ một “sinh vật cấp cao” trở thành một con người trưởng thành. Để học hỏi cần có những biện pháp giáo dục khác nhau, đặc biệt khi trẻ nhỏ nhận sự trả giá, chúng sẽ rút kinh nghiệm rất nhanh.
“Có 2 loại trả giá, một là các hình thức phạt và hai là những hậu quả do chính hành động của trẻ gây ra. Về ATGT, nếu cho trẻ chịu đựng hình thức hậu quả do chính chúng gây ra thì có nhiều trường hợp chính là mạng sống của chúng và người xung quanh. Khi ấy, trẻ có khi cũng chẳng còn tồn tại để mà rút kinh nghiệm nữa. Do vậy, những hình thức phạt là hợp lý. Đây chính là những hình thức cảnh cáo răn đe để các cháu rút kinh nghiệm” - nhà giáo Vũ Thu Hương thừa nhận.
Nói về chấp hành luật giao thông, TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh, hiện tượng các phụ huynh học sinh vi phạm luật giao thông là tác nhân gây ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục trẻ về nội dung này. Nếu đứa trẻ bị phạt ở dưới dạng khác (như chép phạt), chắc chắn chúng không thể rút kinh nghiệm nổi, khi trường quy định cấm vi phạm, trong gia đình (phụ huynh) lại tha hồ vi phạm.
Việc một đứa trẻ bị phạt buộc nghỉ học một tuần sẽ khiến các cha mẹ rất khổ sở và bối rối. Ai sẽ là người ở nhà canh chừng chúng? Đấy là câu hỏi mà các phụ huynh lo lắng, chứ không phải vấn đề trẻ em vi phạm luật an toàn giao thông thế nào. Chính vì điều này, các phụ huynh cũng sẽ phải quan tâm hơn đến luật và tuân thủ luật hơn để làm gương cho con trẻ. Các phụ huynh cũng phải giáo dục con, răn đe con nhiều hơn.
“Tôi biết, khi quy định này ra, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của các phụ huynh. Lý do đơn giản vì nó ảnh hưởng đến chính họ. Cá nhân tôi thấy quy định này rất ổn. Bởi như một phụ huynh đã nói, rằng con an toàn rồi mới cần học tốt. Tôi thấy việc ra tay thẳng thừng với lũ trẻ và gia đình sẽ cho chúng ta nhiều hy vọng về một xã hội mà giao thông an toàn hơn trong tương lai. Điều đó chính là "lá bùa" bảo vệ mạng sống cho tất cả chúng ta. Nên cứng rắn một chút, cương quyết một chút sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi mong các nhà trường, các bậc phụ huynh, các chú cảnh sát chặt tay hơn, quyết liệt hơn nữa để phong trào thành công” - TS. Vũ Thu Hương nói./.
Theo Minh Dương/VOV.VN