Cập nhật: 11/03/2016 09:38:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để không lặp lại nguy cơ giải thể như ĐH Hùng Vương TP HCM, việc chuyển đổi trường đại học dân lập sang tư thục cần được quy định rõ ràng.

ĐH Hùng Vương TP HCM (ảnh: Internet)

Xung quanh việc có thể ngừng hoạt động đối với ĐH Hùng Vương TP HCM, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.

PV: Ông nhận định như thế nào khi Bộ GD-ĐT ra quyết định đến ngày 31/8/2016, nếu ĐH Hùng Vương TP HCM chưa khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến việc ngừng tuyển sinh trong nhiều năm vừa qua thì sẽ bị ngừng hoạt động?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Ngày 7/3/2012, Bộ GD-ĐT đã ban hành việc ngừng tuyển sinh năm 2012 đối với trường ĐH Hùng Vương TP HCM với lý do: Mất đoàn kết nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo dẫn đến mất khả năng điều hành hoạt động của nhà trường; mâu thuẫn nội bộ kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và môi trường giáo dục.

Thực tế là Bộ GD-ĐT đã nhiều lần cử đoàn cán bộ đến ĐH Hùng Vương để trực tiếp khảo sát quá trình tuyển sinh, tình hình nội bộ, làm việc trực tiếp với lãnh đạo, cán bộ, nhân viên cũng như có hướng dẫn, tư vấn giải pháp khắc phục tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ nhà trường dẫn đến việc ngừng tuyển sinh.

Tuy nhiên, cho đến nay, trong nội bộ lãnh đạo, nhân viên của nhà trường vẫn còn nhiều ý kiến, quan điểm mâu thuẫn, lợi ích khác nhau khiến trường không tuyển sinh được và dần rơi vào tình trạng không hoạt động được. Vì vậy, tôi cho rằng, việc Bộ GD-ĐT đưa ra thời hạn về việc ngừng hoạt động đối với ĐH Hùng Vương TP HCM là hoàn toàn đúng đắn.

Từ trường ĐH dân lập sang tư thục: Cần có quy định, trách nhiệm rõ ràng

PV: Những mâu thuẫn của ĐH Hùng Vương TP HCM bắt nguồn từ việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục. Việc xác định tài sản chung không phân chia (bao gồm công sức của các nhà sáng lập, đóng góp bằng trí tuệ…) chưa được xác định rõ ràng. Theo ông, để không phải lặp lại trường hợp như ĐH Hùng Vương TP HCM, Bộ GD-ĐT cần phải có những quy định, hướng dẫn, thay đổi nào về việc chuyển đổi các trường đại học dân lập sang tư thục?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GD-ĐT cần làm rõ những quy định kèm theo trách nhiệm, quyền lợi khi chuyển đổi trường đại học dân lập sang tư thục. Nội hàm của trường dân lập khác trường tư thục ở những đặc điểm gì? Sự đóng góp xây dựng trường của các cổ đông được thực hiện và được tính ra sao? Nếu nhà trường có lợi nhuận thu được từ sự đóng góp của các cổ đông hay từ việc tuyển sinh thì lợi nhuận đấy được sử dụng vào các mục đích: Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất cho trường hay vào các việc khác ra sao.

Bộ GD-ĐT cũng cần quy định rõ trách nhiệm, cơ chế hoạt động, quản lý của trường dân lập, tư thục nếu xảy ra mâu thuẫn, không tuyển sinh được hay đào tạo kém chất lượng.

PV: Theo ông, từ vụ việc xảy ra đối với ĐH Hùng Vương TP HCM, ngành Giáo dục cần lưu ý những gì để quản lý hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập hiện nay?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Ngoài các trường đại học công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, Chính phủ đã cho phép xã hội hóa giáo dục với mục đích kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng đóng góp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, bên cạnh những trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đào tạo hiệu quả thì hiện nay còn một số trường hoạt động cầm chừng vì nhiều lý do như: không có đủ số giảng viên cơ hữu (giáo viên giảng dạy cố định của trường), cơ sở vật chất không đảm bảo và nội bộ lãnh đạo mâu thuẫn kéo dài, cán bộ và nhân viên, tranh cãi quyền lợi của các cổ đông…

Để không lặp lại những trường hợp như ĐH Hùng Vương TP HCM, tôi cho rằng, Chính phủ đã cho phép các trường đại học ngoài công lập được thành lập thì cũng phải nghĩ tới việc tạo điều kiện để các trường hoạt động như: được thuê đất với giá rẻ, ưu đãi đối với chính sách về thuế, được vay vốn của ngân hàng với giá ưu đãi để xây dựng, phát triển trường…

Khi các trường đại học ngoài công lập gặp khó khăn, cơ quan quản lý Nhà nước không thể bỏ mặc họ “chết” dần mà cần tìm hướng, tạo điều kiện để họ khắc phục và có hướng phát triển.

Nếu các trường không thể khắc phục được những yếu kém, bất cập thì ngành Giáo dục cũng cần để cho các trường ngừng hoạt động. Bởi Luật Giáo dục Đại học cũng giao quyền tự chủ rất lớn và quy định trách nhiệm cho các trường. Nếu trường nào hoạt động yếu kém, mâu thuẫn kéo dài dẫn đến không tuyển sinh được thì có thể xin phép giải thể, ngừng hoạt động.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm