Cập nhật: 19/03/2016 09:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dù chưa ký lại Thỏa thuận đặc biệt, nhưng phía Hàn Quốc chính thức thông báo sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm nay.

(Ảnh minh họa. Nguồn: KT)

Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Doãn Mậu Diệp ngày 18/3 cho biết, phía Hàn Quốc đã thông báo sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam trong năm nay.

Đối với thị trường Hàn Quốc, theo ông Doãn Mậu Diệp, 3 năm trước đây, mỗi năm Việt Nam đưa sang khoảng 10.000 - 12.000 lao động. Tuy nhiên 3 năm vừa qua ở mức thấp, với khoảng 3.000 - 3.500 người mỗi năm, trong đó những lao động mẫu mực, lao động trung thành với chủ cũ, hết hợp đồng quay trở về nước sau đó trở lại mỗi năm khoảng 2.000 người.

Không chỉ riêng Việt Nam, có khoảng 16 nước xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Trung bình các lao động bỏ hợp đồng, hoặc cư trú bất hợp pháp khoảng 12 - 13%. Còn đối với Việt Nam lúc cao điểm lên tới 50%, hiện nay là khoảng 32%.

“Chúng ta rất muốn người lao động tuân thủ luật pháp Việt Nam và nước sở tại. Sang nước bạn bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp là điều không mong muốn. Năm nay, dù chưa ký lại Thỏa thuận đặc biệt nhưng phía Hàn Quốc chính thức thông báo cho chúng ta là sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam, đây là số lao động mẫu mực, lao động trung thành.

Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác giữa phía Hàn Quốc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong tuần tới, Bộ sẽ tiếp xúc với Bộ Lao động Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển nhân lực Hàn Quốc, Bộ tư pháp Hàn Quốc với mong muốn sớm ký lại Thỏa thuận Thông thường. Nhưng chắc chắn muốn ký lại, chúng ta phải giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú trái phép tại Hàn Quốc” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thông tin thêm, hiện nay cả nước có hơn 260 công ty được phép xuất khẩu lao động. Các công ty này thường có đối tác ký kết hợp đồng, phái cử, chịu trách nhiệm đưa lao động đi. Chúng ta cũng rất nhức nhối với tình trạng lao động có tỷ lệ bỏ trốn rất cao, vì thế nhiều khi các nước yêu cầu chi phí quản lý cao hơn. Ví dụ tại Đài Loan, các công ty môi giới phải chịu trách nhiệm quản lý người lao động. Khi tỷ lệ bỏ trốn cao, các công ty môi giới có thể bị đánh tụt bảng xếp hạng, bị phạt tiền. Do đó một số nước kiểm soát, yêu cầu khắt khe hơn đối với lao động Việt Nam.

Xác định “đường đi” của 43 lao động kêu cứu

Trước thông tin 43 lao động Việt Nam gửi đơn cầu cứu tới Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết sẽ xác định số lao động trên đi theo con đường nào để có hướng giải quyết.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định: Nhật Bản là thị trường rất tốt, ít khi có sự phàn nàn từ phía người lao động. Trước đây, chúng ta đưa lao động sang Nhật Bản theo con đường tu nghiệp sinh, tức là vừa học vừa làm và thực tập sinh, tức là sang thực tập, làm việc, học và thi. Thị trường Nhật Bản hiện nay có 2 nhóm lao động Việt Nam là thực tập sinh đi qua các công ty xuất khẩu lao động; du học sinh, đi thông qua các trung tâm tư vấn du học với những lời hứa hẹn sang đó học tập, làm việc.

“Đối với 43 lao động kêu cứu, chúng tôi sẽ xem xét lại, xem họ là thực tập sinh hay du học sinh. Nếu thực tập sinh thì trách nhiệm thuộc về các công ty xuất khẩu lao động. Còn nếu là du học sinh, chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ Giáo dục - Đào tạo để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2015, Việt Nam đã đưa được hơn 27.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản (chiếm 23,23% tổng số lao động đi xuất khẩu lao động của năm và tăng 136,6% so với năm 2014). Cho đến nay, Việt Nam đã đưa được 100.000 lao động sang làm việc tại Nhật. Từ năm 2014, Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý mở rộng tăng từ 68 lên 71 lĩnh vực ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, trong đó có cả Việt Nam.

Cục đã khuyến cáo người lao động nên tuân thủ luật pháp khi làm việc tại Nhật, không nên nhập cảnh trái phép với mục đích sang Nhật tìm việc bằng các con đường không chính thống khác như đi du học, du lịch trá hình rồi bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Ngay cả những trường hợp lao động đi theo chương trình thực tập kĩ năng hợp pháp nên về nước đúng hạn để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Trước đó, ngày 22/2/2016, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản nhận được thông tin trường hợp 3 người Việt Nam bị Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thành phố Sendai tỉnh Miyagi Nhật Bản phát hiện và trục xuất về nước. Ngày 19/2/2016, một lao động (nhập cảnh ngày 1/12//2014) cũng đã bị Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Sendai trục xuất về nước. Được biết lao động này là thực tập sinh kỹ năng đã tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp từ ngày 25/6/2015./.

Theo Lại Thìn/VOV.VN

Tệp đính kèm