Sa dạ dày là bệnh mạn tính do vị trí của dạ dày bị sa xuống gây nên triệu chứng đầy bụng và đau vùng thượng vị.
Triệu chứng:
• Sau khi ăn thấy dạ dày khó chịu, xuất hiện đầy bụng, có cảm giác như dạ dày sa xuống, căng hoặc có cảm giác như có gì ép vào.
• Trong dạ dày thường có tiếng động của nước nhưng khi nằm ngửa thì hết.
• Thường ợ hơi, trong miệng có mùi hôi.
• Ăn uống kém, tình trạng dinh dưỡng toàn thân kém.
• Sắc mặt không tươi sáng, miệng đắng, khô, tinh thần không phấn khởi dễ bị mệt mỏi, sợ lạnh.
• Đại tiện thất thường, lúc táo, lúc lỏng.
• Nhức đầu mất ngủ.
Nguyên nhân:
• Cơ thể suy yếu: Khí huyết hư tổn, nguyên khí chưa được khôi phục, người thường xuyên mệt mỏi thì dễ gây sa dạ dày.
• Ăn uống không điều độ. Sau khi ăn no quá, vận động quá mạnh hoặc là người có tiền sử đau dạ dày làm cho trương lực và chức năng của dạ dày giảm yếu gây nên sa dạ dày.
• Người suy nghĩ quá nhiều, tinh thần không yên ổn hoặc tinh thần luôn ở tình trạng căng thẳng, ăn uống giảm sút thời gian lâu làm cho tỳ vị hư yếu mà gây sa dạ dày.
Cách phòng chống:
• Ăn uống điều độ. Tránh làm việc nặng ngay sau khi ăn.
• Hạn chế ăn thức ăn lạnh, cay, chua, thức ăn khó tiêu, đầy bụng.
• Nên ăn các món dạng lỏng, mềm để dạ dày dễ co bóp và tiêu hóa.
• Luyện tập cơ bụng vừa phải sau khi ăn khoảng 2 giờ.
• Một số loại thuốc uống và tiêm có tác dụng trong việc điều trị chứng sa dạ dày. Tuy nhiên, bạn tránh tự ý dùng thuốc mà nên đi khám và có chỉ định của bác sỹ.
Bài tập ở nhà cho người bị sa dạ dày
• Hai chân gấp gối, gót chân để sát mông, ưỡn người chống hai chân lên làm cho nửa thân người nâng lên (làm 4 - 8 lần) một lần làm như vậy duy trì từ 1 - 2 phút.
• Vẫn ở tư thế nằm ngửa, hai tay để sau gáy dùng sức của cơ bụng để ngồi dậy, nằm xuống làm từ 4 - 8 lần.
• Nằm ngửa duỗi thằng 2 chân 2 tay, dùng sức cơ bụng từ từ nâng 2 chân lên cao, sao cho tạo với nửa thân trên thành một góc 90 độ, duy trì như vậy một lúc khoảng 2 phút, sau mới đặt chân xuống, làm từ 4 - 8 lần.
Theo suckhoedoisong.vn