Cập nhật: 24/03/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

"Chúng ta còn một phần bị Trung Quốc chiếm đóng, ngư dân bị xua đuổi. Tại sao Quốc hội không có Nghị quyết chính thức về Trường Sa, Hoàng Sa?".

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Sáng ngày 23/3, Quốc hội thảo luận ở tổ về các báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và Tổng kiểm toán Nhà nước.

Các ý kiến đều cho rằng, việc thảo luận về tổng kết nhiệm kỳ là một nét mới của Quốc hội. Đây không phải dịp đánh giá thành tựu mà là cơ hội để ngẫm lại cả nhiệm kỳ. Nhìn chung, các báo cáo đánh giá đúng và khá đủ tình hình triển khai các nhiệm vụ, bám sát thẩm quyền, chức năng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai): “Các báo cáo khi đề cập vấn đề liên quan đến bảo vệ chủ quyền chưa tương xứng. Người dân đọc cảm thấy gần như lướt qua. Chúng ta ở đây có điều kiện biết nhiều vấn đề nhưng người dân làm sao biết, cùng với các luận điệu khác thì lòng tin lại giảm”.

“Báo cáo của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân rất rõ về ý kiến người dân liên quan bảo vệ chủ quyền. Vấn đề Biển Đông hết sức thiết thân, diễn ra hàng ngày hàng giờ, thế giới còn sốt ruột. Chúng ta làm nhiều việc nhưng người dân không chia sẻ được, mà lòng dân hết sức quan trọng!”, ông Dương Trung Quốc bày tỏ.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, “người dân cực kỳ quan tâm và muốn thấy ý chí của Nhà nước. Bảo vệ chủ quyền trước hết là nội trị, là lòng người, cố kết lòng dân, còn đối ngoại là quá trình”.

Chung quan điểm, đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắk Nông) cho rằng, đến lúc phải đánh giá, xem xét về tình hình Biển Đông.

“Chúng ta còn một phần bị Trung Quốc chiếm đóng, hàng ngày ngư dân bị xua đuổi, đánh đập. Tại sao Quốc hội không có nghị quyết chính thức về vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa? Là một Đảng viên, tôi cũng thấy không biết nói với cử tri thế nào khi dân hỏi về Trường Sa, Hoàng Sa”, đại biểu Long bày tỏ.

Đánh giá Quốc hội đã bình tĩnh xử lý vấn đề Biển Đông, nhất là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan nhưng đại biểu Lê Minh Thông (đoàn Thanh Hoá) băn khoăn: “Phản ứng của chúng ta được sự đồng tình của cử tri chưa thì chưa dám chắc. Cử tri muốn chúng ta mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và cần có tuyên bố trong vấn đề Biển Đông. Chúng ta có bước đi nhưng rõ ràng cử tri có băn khoăn chuyện này”.

Trước đó, trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội sáng 21/3, Chủ tịch UBTW MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, nhân dân cả nước lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng các công trình trái luật pháp quốc tế; bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân làm gia tăng sự bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

“Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ ngư dân, tăng cường công tác đối ngoại và thông tin kịp thời, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến tình hình Biển Đông”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết./.

Theo Ngọc Thành/VOV.VN

Tệp đính kèm