Cập nhật: 30/03/2016 12:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 85 km về phía Tây Bắc, khu danh thắng Tây Thiên (thuộc xã ĐạiĐình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là một quần thể văn hóa du lịch tổng hợp đã được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Khu danh thắng Tây Thiên tọa lạc trên vùng rừng nguyên sinh Tam Đảo, xung quanh được bao phủ bởi hệ thực vật phong phú. Cảnh vật nơi đây vừa hùng vĩ hiểm trở, vừa thơ mộng trữ tình. Men theo con đường quanh co lên đền Thượng là những khe suối nước chảy róc rách, hai bên đường đi là cây cối um tùm, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương.

Nơi đây, nhà bác học Lê Qúy Đôn đã từng đánh giá: “Bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có Tây Thiên cổ tự, cảnh sắc thanh nhã. Trên đỉnh núi có chùa Đồng Cổ; từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa. Hai bên ngoài hồ, suối từ sườn núi chảy ra, bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng…” (Kiến văn tản lục, Lê Quý Đôn)

Điểm dừng chân đầu tiên của du khách là đền Trình, nơi cửa ngõ mở đầu cho hệ thống các di tích trong quần thể danh thắng Tây Thiên. Đền là nơi khách hành hương làm lễ “trình” trước khi bước vào cuộc hành trình Tây Thiên của mình.

Sau khi dâng lễ tại đền Trình, để có thể tiết kiệm thời gian cho chuyến du lịch đến Tây Thiên, lại vừa được ngắm khung cảnh núi rừng một cách chân thực, du khách cóthể bắt đầu chuyến leo núi vào buổi sáng. Men theo con đường nhỏ dọc khe suối, du khách sẽ thỏa sức ngắm cảnh núi rừng Tây Thiên chìm trong sương sớm.

Đường lên đền Thượng kéo dài khoảng 4-5 km. Leo núi nơi đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Mặc dù đường núi khá khó khăn, nhưng đây vẫn là lựa chọn của nhiều du khách khi đến với Tây Thiên. Du khách vừa đi vừa dừng chân ngắm cảnh vật 2 bên suối, cảm nhận tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo chào buổi sớm. Hương của núi, gió của rừng khiến du khách cảm thấy nhẹ nhõm thư thái, quên đi những mệt mỏi lo toan của cuộc sống thường nhật.

Giữa núi rừng nguyên sơ, du khách chốc chốc lại gặp những ngôi Cổ tự, Thảo am Tịnh thất cheo leo trên độ cao ngút ngàn. Xa xa, dòng Thác Bạc trắng xóa như dải lụa vắt mình thả xuống từ trời cao xanh thẳm, tạo nên một bầu không khí thanh bình.

Càng lên cao dốc càng gấp, càng cheo leo, đòi hỏi bạn phải có sức khỏe dẻo dai và bền bỉ. Khi chinh phục được đỉnh núi, bạn sẽ phát hiện ra rằng: những nỗ lực của mình đã không uổng phí. Đứng trên đỉnh núi Tây Thiên phóng tầm mắt ra xa, cảnh vật hùng vĩ của cả một vùng đất trời nước Việt thu gọn vào trong tầm mắt.

Không chỉ vậy, sau cả một chặng đường dốc đứng cheo leo, lên đến đỉnh núi bạn được thở phào nhẹ nhõm, gió lộng từ thiên nhiên ùa vào lồng ngực làm những mệt mỏi của bạn lập tức tan biến. Đứng trên đỉnh núi cao, con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên bao la và một niềm hạnh phúc ngập tràn, bạn sẽ cảm nhận được khoảnh khắc trong ngần của của tâm hồn mình khi trở về với thiên nhiên, và trên hết, bạn được trải nghiệm niềm vui khi vượt qua những khó khăn, gian khổ để chiêm nghiệm ra những triết lý sâu sắc hơn trong cuộc đời.

Sau 2 giờ đi đường dốc núi, bạn sẽ được khám phá những quần thể công trình đền chùa đặc sắc gồm các đền: Đền Cô Chín, đền Cô Bé, Tam tòa Thánh Mẫu, đền Quan, tịnh thất Tây Thiên, đền Thượng…

Đền Thượng nơi đây thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu. Bà vốn sinh trưởng trong một gia đình bộ chủ (tộc trưởng) ở trang Đông Lộ, động Tam Dương xưa (nay là xã Đại Đình, huyện Tam Đảo). Bà nổi tiếng về sắc đẹp, tài năng và đức hạnh. Khi Hùng Chiêu Vương kinh lý đến vùng này, ngài đã có duyên được gặp bà, đưa về cung lập làm chính phi. Bà có công giúp vua Hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau khi qua đời, bà thường hiển linh giúp các vua Hùng đánh giặc giữ nước, các triều vua Hùng sau phong bà làm Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu Đại Vương.

Hàng năm cứ vào 15 tháng 2 Âm lịch (tương truyền ngày quốc mẫu hóa về trời), nơi đây lại diễn ra lễ hội quy mô, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch.

Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên tọa lạc ở lưng chừng ngọn Thạch Bàn trong dãy Tam Đảo hùng vĩ, nơi đây là hành cung chính thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu – vị thần chủ của núi Tam Đảo; đây cũng là ngôi đền có vị trí cao nhất trong hệ thống các đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên.

Sau khi làm lễ và vãn cảnh, du khách có thể đi cáp treo xuống để ngắm nhìn toàn cảnh Tây Thiên ở một góc nhìn khác.

Có một địa danh mà du khách đến Tây Thiên luôn yêu thích, đó là Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước. Thiền viện nằm trên quả đồi rộng 4,5 ha, cao 300 m so với mực nước biển. Phía trước là cánh đồng rộng, phía sau là rừng thông u tịch.

Lên chính điện phải bước qua thềm đá nhiều bậc. Chính điện có chiều cao 17 m, rộng 675 m2. Trong chính điện thờ tượng Phật tổ, bên trái là lầu chuông, bên phải là lầu trống, ở giữa là 3 tượng Phật lớn. Thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ khai sáng nhằm khôi phục dòng Thiền Trúc Lâm Yên tử vào thời Trần.

Hệ thống các công trình ở đây gồm: Tam Quan, ngôi Chánh Điện, nhà Tổ, thất của Hòa thượng viện chủ, nhà khách ni, trai đường, nhà trưng bày… Các công trình nơi đây đều mang dấu ấn của những ngôi chùa đương đại.

Trong một không gian mát mẻ thoáng đãng, nghe tiếng chuông chùa ngân vang trầm vọng, bạn sẽ thấy lòng mình tĩnh tâm thanh thản.

 ST

Tệp đính kèm