Cập nhật: 30/03/2016 13:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong đời sống tín ngưỡng của người sán dìu rất phong phú và đa dạng. Họ đã sáng tạo ra rất nhiều tranh dân gian và tượng dân gian để phục vụ nhu cầu đời sống tâm linh. Sau đây là một số tranh và tượng tiêu biểu nhất: 

- Tranh dân gian: Chủ yếu là tranh dùng trong các cuộc hành lễ cúng bái cho cộng đồng của các thầy cúng. Tất cả các thầy cúng, mỗi thầy có một bộ tranh gồm 24 bức và chia làm hai loại tranh: Tranh cúng chay và tranh cúng mặn.

+ Tranh cúng chay: Là tranh treo để cúng trong lễ chay, hành lễ chay chỉ dùng chay và hoa quả giống như lễ phật, do đó gọi là tranh cúng chay. Cúng chay có các lễ chay: Đại phan, kỳ yên, giải hạn.

+ Tranh cúng mặn: Là tranh treo để cúng trong các dịp hành lễ mặn. Lễ mặn có lễ tam sinh gồm: một gà, hai cá. Lễ ngũ sinh có thủ lợn, ngan, gà, hai con cá (hoặc chân giò, gà, ba con cá).

Trong số 24 tranh có 2 tranh cầu và 22 tranh thần, phật. Tranh chia ra làm hai cầu: Cầu ngắn và cầu dài. Tranh cầu dài dùng để hành lễ đại phan, làm chay cho các thầy cúng về già. Tranh cầu ngắn dùng trong tất cả các dịp lễ thỉnh kinh. Cả hai tranh cầu đều là tranh dài, cầu dài khoảng 2,4m, cầu ngắn khoảng 1,5m, rộng khoảng 30cm. Các tranh thần, phật có kích cỡ rộng chừng 40,4cm, dài 60-70cm. Giấy vẽ tranh xưa là loại giấy gió thủ công dày do đồng bào tự làm ra, loại giấy này khổ rộng đủ để đáp ứng cho việc vẽ tranh. Màu tranh thường là mực tàu và các màu chế từ các chất trong tự nhiên và cây cỏ. Loại màu này đậm mà chất phác, không bay màu. Ngày nay tranh vẽ có sử dụng giấy xi măng và màu công nghiệp, nội dung và hình thức đều chép lại các tranh cổ, tuy vậy do tay thợ vẽ khác nhau nên mỗi bộ tranh có chất lượng khác nhau.

            Dưới đây là 24 tranh:

            * Tranh cúng chay: Chủ yếu là nền giấy xi măng

            - Tên tranh: Dẫn tiến (Dịu chịu)

Kích cỡ: Khoảng 50 x 70cm

Nội dung tranh vẽ một viên tướng gọi là tướng Dẫn tiến, đầu đội mũ, mình mặc áo giáp, một tay giơ lên, một tay để ngang ngực. Viên tướng đeo gươm ở tư thế đứng theo truyện kể: Ông tướng Dẫn tiến cùng ông Xá nhân có nhiệm vụ xuống đàn tràng vào ngày 14/7 âm lịch để cứu nhân độ thế. Tranh này cũng được treo ở chùa.

- Tên tranh: Xá nhân (Xlạ nhìn)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh vẽ một ông quan đứng, hai tay ấp trước ngực. Mặc áo tướng có mặt hổ phù. Viên tướng Xá nhân cùng vị Dẫn tiến có nhiệm vụ xuống đàn tràng để cứu nhân độ thế vào ngày 14/7 âm lịch.

- Tên tranh: Công đức (Công tách)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện 8 vị có nhiệm vụ chuyên làm phúc cho dân, giúp dân giàu có, làm việc thiện theo nhà phật. Tranh được cúng vào các dịp lễ chay. Trong tranh chia ra ba lớp, lớp trên cùng có 3 người: Người ngồi giữa cao to, mặc áo thụng, đội mũ có tai cong, hai người giúp việc ngồi hai bên mặc áo xanh. Lớp thứ hai có 4 vị: Hai vị quan ngồi trước bàn, mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn; hai vị đầu trâu mặt ngựa đứng hai bên. Lớp thứ ba là một vị mặc áo xanh thụng đội mũ chóp nhọn, hai tay chắp trước ngực.

 

- Tên tranh: Hữu tú

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung thể hiện 8 vị tượng trưng cho Nam Tào giúp việc Ngọc Hoàng. Tám vị này chia thành 4 lớp, mỗi lớp hai vị. Cả tám vị đều vẽ bán thân, tay cầm gươm, đầu có vòng hào quang, gươm chỉ sang bên phải.

- Tên tranh: Tả tinh (Slang vòng)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung thể hiện 7 vị quan ở tư thế bán thân mặc áo thụng, tay cầm kiếm chỉ sang bên trái, quanh đầu có vòng hào quang. Tranh có 4 lớp, 3 lớp trên mỗi lớp hai ông, lớp dưới 1 ông và hai ngôi sao.

- Tên tranh: Long thiên (Lồng then)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Tranh Long thiên đi với tranh phù phép thành một bộ. Nội dung tranh này thể hiện một viên tướng ở tư thế đứng, đội mũ, mặc áo nai nịt gọn gàng. Tay cầm ngang thanh kiếm, đây là viên tướng chuyên đi trừ tà cho nhà phật.

- Tên tranh: Phù phép (Hu váp)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh này thể hiện một viên tướng ở tư thế đứng, đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo giáp, hai tay cầm kiếm chắp trước ngực, kiếm chỉ xuống đất. Vị phù phép và Long thiên đi với nhau thành một bộ, cả hai vị đều là tướng chuyên đi trừ tà cho nhà phật.

 

- Tên tranh: Triệu sư

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh này thể hiện một viên tướng ở tư thế đứng, tay trái cầm quả truỳ gai. Viên tướng mặc võ phục, đầu chỉ có một mắt, vị tướng này cùng với vị quan tướng có nhiệm vụ sát hạch các việc của nhà sư.

- Tên tranh: Quan tướng

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh này thể hiện một viên tướng ở tư thế đứng, mặc áo thụng ngoài, áo giáp trong. Đầu vị tướng đội mũ năm cánh, mặt to tai lớn, tóc dài, râu dài, hai tay thu về ấp trước ngực. Vị quan tướng cùng với vị triệu sư thành một bộ, có nhiệm vụ sát hạch các nhà sư.

- Tên tranh: Khố quan

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện các vị quan coi cấp lương thực cho triều đình. Tranh vẽ 8 vị chia làm 3 lớp. Lớp trên cùng có 3 vị, vị quan ngồi ở giữa bàn, cao to, đội mũ mặc áo thụng; hai vị tiểu đồng ngồi hai bên giúp việc. Lớp thứ hai cáo 2 vị đầu trâu mặt ngựa, mặc áo đỏ ở tư thế đứng. Lớp thứ ba có 3 vị có lẽ là dân thường.

- Tên tranh: Ngũ quan (Hụ con)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện các vị quan có tư cách thẩm vấn các việc để đưa lên thập diện Diêm vương xét xử. Tranh có 5 vị quan đội mũ, mặc áo thụng ở tư thế bán thân, đầu có vòng hào quang, thứ tự từ trên xuống dưới từng người một. Còn nửa tranh bên phải (tính từ trong ra), trên cùng có một viên quan mặc áo thụng xanh, quần đỏ, hai tay chắp trước bụng, phía dưới có cảnh tra xét hỏi cung, tra tấn người có tội.

- Tên tranh: Tổ tiên (Ca slen)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranhh thể hiện các bậc tổ tiên của người Sán Dìu hiện diện trong lễ cúng của gia đình. Tranh vẽ 6 người chia làm ba lớp, lớp trên cùng vẽ hai người đàn ông, đàn bà bán thân; lớp giữa vẽ 3 người, lớp thứ ba vẽ 2 người, trong đó có một người cưỡi một con vật gì đó. Tranh này được thể hiện trong lễ cúng của các thầy.

- Tên tranh: Thập diện (ngũ quỷ – ngũ cúi)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện các thần ở thập diện một cách tượng trưng, tranh vẽ 6 cảnh chia làm ba lớp. Lớp trên cùng vẽ hai vị: Vị bên trái mặc áo thụng xanh, nửa người, một tay giơ lên trước ngực; vị bên phải mặc áo thụng đỏ, ngồi trên toà sen đầu có hào quang. Lớp thứ hai có hai cảnh: Cảnh bên trái vẽ ba người cởi trần tượng trưng cho người; cảnh bên phải vẽ hai vị quan mặc áo thụng xanh, đầu đội mũ bù đài có hào quang. Đây là bức tranh về quang cảnh ở âm phủ.

- Tên tranh: Thành hoàng (Slam sềnh)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện đức Thành hoàng của các làng bản và tổ tiên  các họ. Tranh có 3 lớp, lớp trên cùng vẽ 3 vị, vị ngồi giữa to lớn mặc áo gấm, đầu đội mũ, mặt mũi phương phi, có râu ba chòm. Đây là đức Thánh hoàng của các làng, hai vị hai bên nhỏ hơn là người giúp việc cho thành hoàng. Lớp thứ hai vẽ một người ngồi trong lầu son gác tía. Lớp thứ ba vữ 3 người ở tư thế bán thân. Các vị này tượng trưng cho các thế hệ thành hoàng.

- Tên tranh: Phật Tam bảo (Slam báo lụt)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nội dung tranh thể hiện vị phạt mặc áo cà sa nngồi trên bông sen màu xanh, phía dưới vẽ bốn vị đồng tử, bức tranh này tượng trưng cho thế giới phật pháp của nhà phật.

- Tên tranh: Tinh quân (Lão cun)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Tranh vẽ 60 vị tinh quân trên trời, tượng trưng cho các vị sao chuyên đi giải hạn cho con người ở hạ giới.

- Tên tranh: Bát quái kỳ yên (Thú vàng bát cạ)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Tranh có nội dung thể hiện lễ kỳ yên cầu cho gia trạch an khang thịnh vượng. Tranh có 4 lớp, lớp trên cùng vẽ 3 vị pháp sư ở tư thế ngồi, lớp thứ hai vẽ 3 vị thể hiện 12 con giáp. Lớp thứ tư thể hiện một vị pháp sư cầm chiếc bát quái làm phép, hai bên có thanh long và bạch hổ trầu vào.

- Tên tranh: Cầu ngắn (Va khèo)

Kích cỡ: 1,5m x 30cm

Nội dung tranh thể hiện cảnh “Cung nghênh thánh giá” gồm ba cảnh:

+ Cảnh thứ nhất: Gồm 6 đồng tử cầm cờ ngũ hành và các đồ hành rước thành giá với 4 chữ “Cung nghênh thánh giá” ở trung tâm.

+ Cảnh thứ hai: Gồm hai vị lực sỹ cởi trần đóng khố cầm thẻ bài đi trước, một quan viên phi ngựa đi sau.

+ Cảnh thứ ba: Gồm 28 quan viên đoọi mũ mặc áo chỉnh tề cưỡi ngựa hộ giá, trên tay phải các vị đều cầm một thứ vũ khí tuỳ tòng.

- Tên tranh: Cầu dài (Slệnh khèo)

Kích cỡ: 2,5m x 30cm

Nội dung tranh thể hiện cảnh lên cung đình với 28 cảnh vẽ khác nhau như: Cảnh ngồi trong cung, cảnh cưỡi ngựa, cảnh gặp quỷ sứ, cảnh chơi hoa, cảnh lên tiên, cảnh đi thuyền, cảnh gặp các tiên… Loại tranh này chỉ dùng trong lễ đại phan và làm chay cho các thầy về già.

* Tranh cúng mặn (Slam then váp chuý)

Kích cỡ: 50 x 70cm

Nộ dung tranh này thể hiện Pháp chủ của 3 trời, tranh gồm nhiều lớp, vẽ nhiều vị thần của 3 cõi trời gồm các vị như: Thượng đế Ngọc Hoàng, Tam sinh pháp chủ (Thượng sinh, Ngọc sinh, Thái sinh) Lão quân, Ngọc Đế, Địa Đế, Thuỷ đế, Hà đế, Lư sơn, Vương mẫu, Na tra, Kim cương, Trần thị, Lý thị, Lân thị, Tam mục tiên, Tứ mục tiên khai thiên, khai địa, khai phong, Tứ hải Long vương.

- Tượng phật (Con im)

Tượng dùng của người Sán Dìu hiện chỉ thấy có một loại tượng Phật Thích Ca kích thước nhỏ 20 x 10cm, sơn son thiếp vàng. Tượng đội mũ Thất Phật, tren mỗi cánh mũ đều có khắc một chữ Hán. Nội dung của các chữ này thể hiện công năng, tài đức của Phật, Pháp, Tăng. Tượng ở tư thế đứng, một tay giơ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Tượng này được dùng trong các cuộc hành lễ chay.

- Tượng Rồng (Slíu lồng)

Dùng trong lễ cúng Phật, kích thước nhỏ chừng  20 x 70cm. Rồng ở tư thế chầu, thân uốn cong một khúc, đuôi cuộn hình vỏ ốc.

- Tượng Bát đại kim cương (Kim cong)

Gồm một đoạn gỗ dài chừng 25 cm, chia làm 3 đoạn. hai đầu khắc 8 hình mặt người cách điệu tượng trưng cho 8 vị kim cương, giữa khúc gỗ có xuyên một thanh sắt, mỗi đầu có hai đồng xu xèng. Tượng này dùng để cúng chay lễ Phật, khi cúng cầm tay sắc như sắc sinh tiền.

Nói tóm lại tranh và tượng dân gian của người Sán Dìu chủ yếu là tranh cúng thần phật, nó chỉ được sử dụng trong các cuộc hành lễ chay và mặn, chưa thấy có tranh treo thờ và tranh treo trang trí ở các thôn bản. Loại tranh cúng phản ảnh thế giới tâm linh của người Sán Dìu rõ nét, đó là một thế giới đa thần, đa thánh. Hiện nay các loại tranh này vẫn còn lưu hành sử dụng trong các thôn bản.

LÂM QUANG HÙNG

(Hội VHNT Vĩnh Phúc)

Tệp đính kèm