Cập nhật: 31/03/2016 09:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên được hình thành từ những năm 1990. Với đội tàu đánh bắt xa bờ gần 1.000 chiếc, mỗi năm Phú Yên khai thác từ 5.000 đến 5.500 tấn cá ngừ đại dương xuất khẩu, giá trị từ 350 đến 400 tỷ đồng, thu hút gần 8.000 lao động...

Mỗi năm, ngư dân Phú Yên khai thác khoảng

5.000 tấn cá ngừ xuất khẩu. (Ảnh: Xuân Anh)

Về “cái nôi” của nghề

Một sáng cuối tháng ba, chúng tôi đến cảng cá phường 6, cảng cá ngừ đại dương nổi tiếng ở khu vực nam Trung Bộ. Mọi năm, thời điểm này, hoạt động mua bán tất bật rộn ràng với những tàu đầy ắp cá ngừ, nhưng hôm nay chỉ duy nhất chiếc tàu cá PY85805 TS của ông Lê Văn Mười cập bến đánh được 14 con cá ngừ và một số hải sản khác. Tàu cá vào bến phải đậu ngoài lạch xa để bốc dỡ vì cảng cá đã bị cát bồi lấp toàn bộ. Cá từ tàu được đưa xuống một cái phao tự tạo, rồi phải khiêng qua một động cát dài hơn 100 m mới vào bờ để cân. Do cảng cá bị bồi lấp toàn bộ, nên tàu thuyền phải neo đậu cách đó hơn nửa km phía tả ngạn sông Chùa. Tại đây, hàng trăm chiếc tàu công suất lớn đang neo đậu san sát. Bà con dọn vệ sinh tàu, sửa chữa nhỏ và tập kết vật tư để chuẩn bị chuyến biển tiếp theo. Ông Nguyễn Đức Toàn, 47 tuổi chủ tàu cá PY 92396 cho biết, từ đầu vụ đến nay, đã đi bốn chuyến biển, hai chuyến trước Tết Nguyên đán có lãi, hai chuyến vừa rồi vừa đủ tổn. Theo tính toán, mỗi chuyến biển, tàu của ông phải mua 4.500 lít dầu, 700 cây đá, cộng thêm các chi phí khác lên đến 100 triệu đồng. Với giá cá ngừ hiện nay chỉ còn 90.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg, mỗi chuyến phải thu được 1,2 tấn cá trở lên mới có lãi. “Nghề câu cá ngừ ngày càng khó. Từ bốn chiếc tàu cá, nay tôi chỉ còn một chiếc. Biết là bấp bênh, nhưng làm nghề mấy chục năm nay rồi, không bỏ được”.

Đang loay hoay phụ các thợ máy trên tàu cá, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, từng là chủ tàu cá lớn nhất TP Tuy Hòa phân tích, bây giờ phải đa dạng hóa ngành nghề. Tàu của ông kết hợp câu cá ngừ bằng câu vàng truyền thống, kết hợp câu đèn, câu cá nhám, lưới chuồng… “Nói là đa dạng hóa ngành nghề, nhưng thực chất việc đánh bắt con cá ngừ ngày càng khó, bà con phải linh hoạt trên chuyến biển dài ngày. Hễ có cá ngừ thì câu, gặp luồng cá chuồn quay sang đánh cá chuồn, hay câu cá nhám để bù chi phí chuyến biển, vậy mới có ăn. Nhưng cũng phiêu lưu lắm. Thí dụ như cách đây một tháng giá cá chuồn 24.000 đồng/kg, bà con tập trung khai thác nhiều. Nhiều người vay mượn cả trăm triệu đồng sắm lưới chuồn, đùng một cái, giá cá hạ hơn một nửa, thiệt khổ. Nhưng chúng tôi không thể bỏ nghề truyền thống cá ngừ…”.

TP Tuy Hòa chính là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Từ những đoạn vàng câu của các tàu nước ngoài còn sót lại trên biển, ngư dân làm nghề lưới chuồn ở phường 6 đã tìm hiểu, điều chỉnh, phát triển thành kỹ thuật đánh bắt cá ngừ rất hiệu quả, phù hợp tàu thuyền công suất nhỏ. Từ năm 1995, nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã kích thích ngư dân, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư mua hai đến ba tàu công suất lớn, có thời điểm TP Tuy Hòa phát triển 358 chiếc.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, mặc dù biển động dài ngày, nhưng ngư dân Phú Yên vẫn vươn khơi bám biển đánh bắt cá ngừ đại dương. Anh Huỳnh Nởm, lao động trên tàu PY9062TS của ông Lê Tấn Hồng phấn khởi: “Tàu xuất bến đánh bắt ở vùng biển Trường Sa được hơn 15 ngày, may trúng luồng cá nên quay vào bờ. Chuyến này đánh được 40 con cá ngừ, tổng sản lượng hơn 1,5 tấn, có lãi hơn 100 triệu đồng. Mỗi lao động trên tàu, nhận được gần bảy triệu đồng”.

Ước mơ vươn khơi, làm ăn lớn

Lão ngư Phan Thuẫn tâm sự: “Nói Phú Yên là cái nôi, đúng, nhưng ngư dân Bình Định, Khánh Hòa giờ họ đã vượt xa Phú Yên. Vì họ có đủ điều kiện đầu tư mới, trang bị mới phương tiện hiện đại và áp dụng kỹ thuật tiến bộ dẫn dụ con cá ngừ đại dương bằng đèn, đánh bắt ngắn ngày cho sản lượng cao. Chúng tôi không bảo thủ, trong 180 phương tiện hành nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên vẫn còn hơn một nửa giữ nghề truyền thống câu vàng, đó là thương hiệu”. Trong lời của ông Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 có sự quyết tâm giữ nghề câu vàng mà nhờ đó sản phẩm cá ngừ của Phú Yên luôn được đánh giá cao hơn 30 đến 40% so với nghề câu đèn ở các tỉnh khác. Nghề câu vàng ở Phú Yên dù năng suất thấp nhưng bảo vệ được nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, sự yếu kém tồn tại lâu nay của ngư dân Phú Yên là khâu sơ chế, bảo quản trên biển. Bao nhiêu năm nay, họ vẫn ướp cá bằng đá xay, thời gian đánh bắt trên biển dài ngày nên không bảo đảm. Nếu làm tốt khâu bảo quản, sơ chế, hạn chế cá xuống cấp, có thể tăng thu nhập đi biển thêm 20 đến 30%.

 

Nghề câu cá ngừ tạo việc làm và thu nhập cho

gần 8.000 lao động tại Phú Yên. (Ảnh: Văn Trình)

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho rằng, để nghề câu cá ngừ tồn tại và phát triển cần tổ chức lại sản xuất, tạo được hiệu quả cao nhất cho ngư dân. Bộ NN và PTNT đã triển khai đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Tỉnh Phú Yên chọn mô hình tổ chức khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi, do Công ty cổ phần Bá Hải đầu tư và tổ chức thực hiện. Đến nay Công ty đã xây dựng xong phương án sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị, được Sở NN và PTNT hỗ trợ hoàn thiện. Theo đó, Công ty sẽ đóng năm tàu com-pô-dít hành nghề lưới vây kết hợp ánh sáng, đồng thời liên kết với bảy tổ gồm 70 tàu khai thác của ngư dân trên biển. “Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gặp khó về vốn nên hoạt động không hiệu quả” đồng chí Nguyễn Tri Phương nói.

Việc tiêu thụ sản phẩm cá ngừ hoàn toàn phụ thuộc các vựa thu mua, giá cả không ổn định. Hàng trăm tàu cá toàn tỉnh chỉ có sáu điểm thu mua của các đại lý, doanh nghiệp, chủ yếu đặt tại Cảng cá phường 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, dẫn đến tình trạng ép cấp, ép giá thường xuyên xảy ra. Ngay ở đầu vụ, giá cá ngừ có thể đạt 150.000 đến 170.000 đồng/kg, nhưng đến chính vụ sản lượng nhiều, có lúc xuống dưới 85.000 đồng. Như vậy lượng cá đánh bắt được không phải là điều duy nhất quyết định thu nhập chuyến biển, mà thu nhập của ngư dân tùy thuộc các chủ vựa.

Hiện tại, các nhà quản lý đều cho rằng, cần có một chợ giao dịch cá ngừ để minh bạch hóa giá cả cũng như phân loại chất lượng cá. Nhiều ngư dân cũng đang mong chờ sự ra đời của những chợ giao dịch cá ngừ đúng nghĩa. Tuy nhiên, đến nay, đó vẫn chỉ mới là ý tưởng. Để giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn, tỉnh Phú Yên đã thành lập hiệp hội cá ngừ, triển khai đề án thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi, tổ chức ngày hội cá ngừ, xây dựng thương hiệu cá ngừ Phú Yên… nhưng hầu như các hoạt động này chưa mang lại hiệu quả.

Tại các cuộc hội thảo chuyên đề về nghề khai thác cá ngừ do Bộ NN và PTNT tổ chức, nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề khó khăn nhất là thiếu phương tiện hiện đại và yếu kém về công nghệ khai thác. Các tỉnh miền trung chưa có bến cá chuyên dùng, các điều kiện phục vụ bốc dỡ xuất khẩu đều chưa đạt. Các ngư dân cho rằng, để nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên phát triển ổn định, bền vững, Nhà nước cần tổ chức sản xuất, sắp xếp lại hệ thống thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương với lực lượng nòng cốt là các doanh nghiệp chế biến đủ mạnh để đầu tư nâng cao năng lực thu mua; đầu tư xây dựng đồng bộ và phát triển cơ sở hạ tầng như cầu cảng, bến cá đáp ứng dịch vụ hậu cần cho tàu thuyền.

Đáng mừng là sau gần hai năm triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Phú Yên đã mạnh dạn đóng mới tám tàu công suất lớn, năm tàu đã hoạt động. Trong đó, tàu sắt của ông Nguyễn Văn Lanh ở thị xã Sông Cầu đi chuyến đầu tiên, lãi hơn 200 triệu đồng. Sau 5 năm triển khai Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, đã có khoảng 6.800 ngư dân đăng ký tham gia đánh bắt xa bờ.

Trong năm 2016, tỉnh Phú Yên tiếp tục hỗ trợ, vận động ngư dân đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp, cải hoán 465 tàu. Đến năm 2020 sẽ đóng mới 315 tàu, nâng cấp, cải hoán 705 tàu cá theo hướng hiện đại, cơ bản đủ lực làm chủ biển khơi và bảo vệ ngư trường. Hoạt động đánh bắt ở giai đoạn này chủ yếu tập trung vào hai nghề chủ lực là câu cá ngừ đại dương và lưới vây. Khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển khai thác hải sản nâng cao thu nhập, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để làm cầu nối cho ngư dân đoàn kết bám biển, đến nay Phú Yên đã phát triển được 103 tổ đội tàu thuyền an toàn với gần 900 phương tiện.

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm