Cập nhật: 02/04/2016 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đối với người cao tuổi khi càng về già thì não cũng già theo nên dễ quên, nhớ lẫn lộn thậm chí bị lú lẫn và mất hẳn trí nhớ. Bệnh nhân mặc dù còn đi lại được nhưng hoàn toàn không nhớ gì cả, không nhận thức về môi trường xung quanh, phải có người theo chăm sóc cả ngày.


Về ăn uống sinh hoạt: Do lú lẫn, mất trí nhớ người bệnh thường không nhớ giờ ăn, không biết mình đã ăn chưa, đã uống nước chưa nên người nhà cần nhắc nhở giờ ăn, uống nước, uống thuốc. Đôi khi bệnh nhân chỉ thích ăn một món, dễ bị thiếu dinh dưỡng. Vì vậy nên xen kẽ món ăn khác nhau, nhiều người còn quên cách dùng đũa, thìa có thể thay bằng món ăn cầm tay. Cần cho người bệnh ăn bữa phụ trong ngày do bữa ăn chính không đủ no.

Đối với việc vệ sinh cá nhân: Tắm rửa, cần chủ động nhắc nhở hoặc chuẩn bị đồ giúp người bệnh. Có thể người bệnh chỉ cần thay quần áo hằng ngày, mùa đông 3 - 4 ngày mới cần tắm. Cần chuẩn bị nước nóng hay lạnh cho phù hợp với thời tiết tránh cảm giác của người bệnh không chuẩn dễ bị bỏng hoặc lạnh. Cần sử dụng ghế ngồi để tắm, tránh té ngã.

Người cao tuổi cần được chăm sóc.

Đối với giấc ngủ: Giấc ngủ rất quan trọng với người lú lẫn, do vậy để ngủ ngon giấc ban đêm, nên khuyến khích bệnh nhân tham gia nhiều sinh hoạt ban ngày, tránh uống nhiều nước buổi chiều để hạn chế thức dậy tiểu đêm. Không nên lạm dụng thuốc ngủ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Không để cho ngủ ngày quá nhiều.

Quần áo của người bệnh cần đủ ấm về mùa đông, đủ mát về mùa hè. Cần quần áo rộng rãi, thoải mái khi mặc, ít cúc, khóa kéo rắc rối. Đối với giầy, dép dễ đi không dây buộc hoặc có vải dính.

Đối với phòng ngủ và nhà ở: Nhà ở, phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc, để dễ đi lại, tránh té ngã. Tất cả thuốc men, đồ điện, phích nước có nguy cơ gây bỏng, gây tai nạn cần để cao, có khóa tránh người bệnh tự lấy uống, sử dụng gây nguy hiểm đến tính mạng. Đối với phòng ngủ và trong gia đình nên treo ảnh kỷ niệm của bệnh nhân để kích thích trí nhớ. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Gia đình, người thân, con cháu cần trò chuyện với bệnh nhân thường xuyên để có sự giao tiếp giúp cho kích thích trí nhớ.

Nếu có điều kiện thay ổ khóa cửa mở cần chìa, gắn hệ thống báo động cửa ra vào. Cho bệnh nhân mang vòng tay có ghi tên họ, địa chỉ, số điện thoại để lỡ có lạc giúp tìm được bệnh nhân.

Biểu hiện đầu tiên của lú lẫn, mất trí nhớ là thay đổi tính tình và giảm trí nhớ. Người bệnh dễ mệt mỏi, tức giận hoặc lo âu, thường hay quên đồ dùng mình để chỗ nào nên mất thời gian tìm kiếm hoặc nghĩ rằng có kẻ lấy cắp. Khi lấy, là quần áo hoặc vặn nước thường quên tắt sau khi làm xong. Dần dần, trí nhớ người bệnh ngày càng giảm sút, khó hòa nhập môi trường xã hội chung quanh. Họ quên tên đồ đạc, quên tên bạn thân, không hiểu các con số trên hóa đơn, không hiểu những câu trong sách báo, ăn mặc không phù hợp hoàn cảnh. Cuối cùng, người bệnh trở nên lú lẫn, không biết ngày, tháng, năm, không nói được địa chỉ đang sống. Nếu đi khỏi nhà thì thường lang thang và không tìm được đường về, không thể nói chuyện mạch lạc, không nhận ra con cái, quên cách tắm rửa, ăn uống.

BS. Nguyễn Đức

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm