Đánh giá, sát hạch giáo viên thông qua việc làm bài kiểm tra cùng đề, thi chung với học sinh đang có những ý kiến khác nhau.
Một tiết dạy học của giáo viên Tiểu học
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nhấn mạnh đến việc ngành Giáo dục phải đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên.
Hiện nay, các địa phương đã và đang có nhiều hình thức khác nhau để kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ của giáo viên như: thi tuyển, thông qua cuộc thăm dò ý kiến của học sinh, thi sát hạch…
Tuy nhiên, với việc hàng chục giáo viên đi thi ở các địa điểm khác nhau, nhưng lại thi cùng đề thi với học sinh giỏi lớp 9 mà tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện hay chuyện giáo viên làm đề thi học kỳ 2 với học sinh khối 12 mà tỉnh Thừa Thiên- Huế áp dụng lại gây ra những ý kiến tranh luận trái chiều về hình thức kiểm tra trình độ, sát hạch giáo viên.
Cũng như nhiều địa phương khác đang thực hiện việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của đội ngũ giáo viên, tỉnh Kon Tum còn thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực của giáo viên thông qua việc trưng cầu, nhận xét bằng phiếu phát cho học sinh rồi nộp lên Hội đồng trường thống kê, kiểm phiếu công khai.
Nhằm đổi mới cách đánh giá năng lực và đổi mới chất lượng giảng dạy của giáo viên, hiện nay, tỉnh Kon Tum cũng đang đề xuất đề án kiểm tra trình độ của giáo viên bằng hình thức cho làm đề thi với đề thi học sinh giỏi.
Mặc dù mới chỉ là đề án nhưng theo bà Vũ Thị Hồng Thanh, chuyên viên phòng giáo dục đào tạo huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức của học sinh hiện nay rất phong phú vì vậy đòi hỏi giáo viên phải có chuyên môn, trình độ cao và tận tâm với nghề là điều dễ hiểu.
Nhiều giáo viên không có năng lực đúng với bằng cấp mà họ có là vấn đề đang tồn tại. Ngoài ra còn có một thực tế là nhiều giáo viên chỉ giảng dạy cho học sinh những kiến thức cơ bản nhưng với chương trình giáo dục đổi mới, nâng cao và đào tạo đội ngũ học sinh giỏi thì có người lại không giảng dạy được. Chính vì thế, việc kiểm tra trình độ thực chất của giáo viên bằng cách thông qua đề thi kiểm tra học sinh giỏi cũng là một giải pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục cũng như đào tạo đội ngũ học sinh giỏi hiện nay.
Kết quả của việc tổ chức kiểm tra trình độ của giáo viên bằng cách cho họ làm đề thi học sinh giỏi có thể khiến nhiều người ngạc nhiên là học sinh đạt được 9 điểm nhưng giáo viên chỉ đạt 6 điểm. Khi công khai thông báo kết quả này chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng từ phía phụ huynh, dư luận xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta cũng coi đây là phản biện hết sức bình thường thì mới có thể đánh giá chất lượng giảng dạy thực sự của giáo viên. Thông qua đó, các địa phương mới có giải pháp đào tạo lại hay bồi dưỡng, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của giáo viên.
Đào tạo đội ngũ học sinh giỏi là hết sức quan trọng, đòi hỏi có đội ngũ giáo viên giỏi chuyên môn, kỹ năng sư phạm và lòng nhiệt huyết nên không thể để giáo viên yếu kém giảng dạy.
Còn đối việc công khai kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo viên thông qua việc làm đề thi học sinh giỏi thì ngành giáo dục ở các địa phương có thể công bố trong nội bộ ngành hoặc trường học.
Nên tổ chức thi riêng để đánh giá, sát hạch giáo viên
Một số địa phương như Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế đánh giá trình độ giảng dạy của giáo viên bằng cách cho các thầy cô giáo làm bài kiểm tra, bài thi mà học sinh giỏi đã làm. Tuy nhiên, xung quanh cách thức đánh giá này, nhiều giáo viên đã bày tỏ sự không hài lòng.
Học sinh bây giờ được học hỏi, tiếp cận với tri thức khoa học công nghệ ngày càng phát triển nên trí thông minh cũng tốt hơn. Vì thế, trong cùng một thời gian, học sinh có thể giải một bài toán, đề thi theo nhiều cách thức với kết quả đúng và nhanh hơn giáo viên là chuyện rất bình thường. Chúng ta không nên căn cứ vào việc này để đánh giá trình độ của giáo viên. Đó là khẳng định của cô Triệu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Nam.
Mỗi địa phương có cách thức kiểm tra, đánh giá trình độ của giáo viên khác nhau. Tuy nhiên, đối với một kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh học tập, ôn luyện để giải các đề bài thi như vậy.
Hiện nay, trình độ của mỗi giáo viên ở mỗi nơi khác nhau nên nếu kiểm tra trình độ của giáo viên mà làm chung đề với học sinh giỏi như vậy có thể làm mất uy tín, danh dự của giáo viên. Nếu muốn sát hạch, kiểm tra trình độ của giáo viên thì ngành Giáo dục ở địa phương phải tổ chức một cuộc thi riêng để kiểm tra trình độ của họ.
Thông qua các cuộc thi sát hạch, nếu những giáo viên nào có chuyên môn yếu kém, trình độ giảng dạy không đạt chuẩn thì ngành Giáo dục địa phương có thể cho chấm dứt hợp đồng giảng dạy hoặc cho nghỉ việc sớm.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hàng năm, ngành Giáo dục ở các địa phương nên mở rộng các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao trình độ của giáo viên.
Đồng ý với việc không thể mang đề thi học sinh giỏi ra để đánh giá năng lực, trình độ của giáo viên, ông Thái Lương Thiện, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho rằng, chuyện học sinh và giáo viên cùng làm chung một đề thi mà học sinh lại có điểm cao hơn giáo viên là hết sức bình thường. Chúng ta không thể dựa vào đó để đánh giá, xếp loại giáo viên.
Hiện nay, ngành Giáo dục đã có quy định tuyển dụng, đánh giá giáo viên theo từng cấp học. Khi đã tuyển dụng giáo viên thông qua các cuộc thi thì cũng nên đánh giá giáo viên bằng những cuộc sát hạch, kiểm tra trình độ riêng chứ không nên gộp, ghép giáo viên làm bài thi chung với học sinh.
Cơ sở vật chất trường học có tốt đến mấy, sách giáo khoa có hay và hấp dẫn đến đâu cũng không thể quyết định chất lượng giáo dục đào tạo. Yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công trong cuộc đổi mới chất lượng giáo dục chính là chúng ta có được đội ngũ giáo viên có đủ năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, yêu nghề và tận tâm với học trò.
Chính vì vậy, việc đánh giá trình độ giáo viên theo hình thức nào phù hợp, được sự đồng thuận cao của giáo viên, xã hội là việc cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng./.
Theo Bích Lan/VOV.VN