Cập nhật: 03/04/2016 14:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

(28/3) UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020. Các đồng chí: Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh; Nguyễn Văn Chúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc Gia xây dựng NTM tỉnh; Nguyễn Tiến Phong, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc Gia xây dựng NTM tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Kim Khải, Phó chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; đại diện Văn Phòng điều phối XD NTM Trung ương, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và 112 xã trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì đã trao quyết định công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015 cho 28 xã. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính Phủ, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã trao bằng khen cho 4 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng NTM.  Đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao Cờ thi đua xuất sắc cho 7 tập thể và tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Quốc Gia xây dựng NTM tỉnh khẳng định: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển tổng thể của tỉnh. Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Phát huy những kết quả đã đạt được, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM. 

(28/3) Tại Tỉnh ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tổ chức giao nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ cho tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016. Trung tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Quân khu 2, Trưởng Ban chỉ đạo diễn tập Quân khu chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Thiếu tướng Phùng Sỹ Tấn, Phó Tư lệnh, Tham mưu Trưởng Quân khu 2; đồng chí Nguyễn Kim Khải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Hữu Thục, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Bình Xuyên.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh: Vĩnh Phúc xác định nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2016. Vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tích cực chuẩn bị cho cuộc diễn tập. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan mong muốn Bộ Tư lệnh Quân khu 2 quan tâm giúp đỡ về con người, kỹ thuật, cơ sở vật chất để Vĩnh Phúc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016.

Kết luận hội nghị, Trung tướng Dương Đức Hòa đánh giá cao sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với công tác quân sự quốc phòng nói chung và cuộc diễn tập khu vực phòng thủ nói riêng và yêu cầu Vĩnh Phúc xây dựng kịch bản diễn tập sát với tình hình thực tế. Bộ tham mưu Quân khu 2 hoàn thiện ý định diễn tập để làm cơ sở cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo tốt cuộc diễn tập, đảm bảo cuộc diễn tập diễn ra chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm. 

(28/3) Ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII

Thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII; các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ này Quốc hội đã hoàn thành chương trình lập pháp với việc ban hành hàng trăm đạo luật, hoàn thiện thể chế nhà nước, đưa chính sách vào cuộc sống, cụ thể hoá đường lối chủ trương của Đảng. Ý kiến đại biểu đề nghị cần có luật về hoạt động của tổ chức Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhà nước pháp quyền. Nhân dân và cán bộ đảng viên mong muốn sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KTXH, nâng cao đời sống nhân dân. Chiều cùng ngày, các đại biểu QH tiếp tục cho ý kiến về báo báo của Tổng kiểm toán nhà nước. Ngày mai, Quốc hội  sẽ thảo luận cho ý kiến vào các báo của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

(29/3) Ngày làm việc thứ 7, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII

Thảo luận cho ý kiến vào các báo của Chủ tịch nước, các ĐBQH cho rằng báo cáo đã nêu rõ 5 nhiệm vụ đối nội và một nhiệm vụ đối ngoại, trong đó nổi lên ba điểm sáng là cải cách tư pháp, thể chế hoá quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tế; hoạt động đối ngoại góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; trong hoạt động thực tiễn, Chủ tịch nước thể hiện sự gần gũi, chăm lo đời sống nhân dân. Đối với phần công tác của Chính phủ, Thủ tướng, các ý kiến cho rằng Thủ tướng cũng như Chính phủ đã thể hiện quan điểm, thái độ rất mạnh mẽ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, kịp thời có chính sách đầu tư, hỗ trợ ngư dân, ứng phó có hiệu quả đối với tình hình biển Đông giữ được môi trường hòa bình để phát triển ổn định nên được người dân và đồng bào đánh giá cao. Có ý kiến đề nghị trong báo cáo cần thể hiện rõ hơn quyết tâm kiên trì đấu tranh  giữ vững chủ quyền biển đảo. Các đại biểu cũng đánh giá cao sự  điều hành quyết liệt của chính phủ với 3 mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát và an sinh xã hội, góp phần đưa đất nước ổn định phát triển. Buổi chiều cùng ngày, QH làm việc tại hội trường, thảo luận cho ý kiến vào các báo của của Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

(30/3) Ngày làm việc thứ 8, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII

Trong chương trình làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia để đại biểu thảo luận ở đoàn. Ban kiểm phiếu thành lập dựa trên tờ trình của Chủ tịch Quốc hội công bố thể lệ bầu cử và tiến hành các bước tiếp theo. Việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín trong chiều 30/3. Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngày 31/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận đoàn về dự kiến nhân sự vào các vị trí mới để đại biểu thông qua và bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Chủ tịch Quốc hội mới sẽ tuyên thệ trước Quốc hội khi nhậm chức.

(30/3) Thực hiện các bước quy trình bầu cử, tối ngày 30/3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên đã tổ chức hôi nghị Lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và các ông, bà ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cư trú tại tổ dân phố Chiền, phường Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố.

Thay mặt những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 cư trú ở tổ dân phố Chiền, bà Hoàng Thị Thúy Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh cảm ơn cử tri đã tín nhiệm cao đối với những người được giới thiệu ứng cử và bày tỏ đây là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm lớn đối với những người được cử tri tín nhiệm, mỗi người được giới thiệu ứng cử cũng sẽ phát huy hết trách nhiệm của mình trên cương vị công tác và tiếp tục đóng góp xây dựng địa phương vững mạnh. Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan mong muốn các cử tri tiếp tục giám sát để mỗi ứng cử đại biểu Quốc hội 14 và ứng cử HĐND các cấp nhiệm lỳ 2016-2021 tiếp tục hoàn thiện mình để phục vụ nhân dân, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn của cử tri trong tỉnh.

(31/3) Tại thủ đô Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015. Dự buổi lễ có đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Theo kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015, công bố tại buổi lễ, thành phố Đà Nẵng tiếp tục đứng ở vị trí thứ nhất với 68,34 điểm, thứ 2 là tỉnh Đồng Tháp với 66,39 điểm, thứ 3 là Quảng Ninh 65,75 điểm, tỉnh Vĩnh Phúc tăng 2 bậc từ vị trí thứ 6 năm 2014 lên vị trí thứ 4 năm 2015 với 62,56 điểm, đứng thứ 5 là tỉnh Lào Cai với 62,32 điểm. Thành phố Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế của cả nước đứng ở vị trí thứ 6 với 61,36 điểm; Hà Nội đứng ở vị trí thứ 24 với 59 điểm. Trong 10 chỉ số thành phần, các chỉ số Vĩnh Phúc đạt số điểm cao như chỉ số gia nhập thị trường 8,41 điểm, chi phí thời gian 7,48 điểm, đào tạo lao động 6,65 điểm, tính minh bạch 6,49 điểm, thiết chế pháp lý 6,28 điểm.

Với việc Vĩnh Phúc vươn lên nằm trong tốp 5 tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số PCI, đã phản ánh sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh trong việc đưa ra các giải pháp, mô hình hiệu quả nhằm cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh hướng tới sự hài lòng hơn của doanh nghiệp, đồng thời khẳng định Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(31/3) Tiếp tục ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Nội dung quan trọng trong chương trình làm việc của QH tại kỳ họp này là kiện toàn các chức danh lãnh đạo Quốc hội và nhà nước.

Theo kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, với đa số phiếu đồng ý, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc Hội khóa XIII giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. Với chức danh Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, với đa số phiếu đồng ý, Quốc hội đã bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH khóa XIII làm chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã chính thức trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Phát biểu tại lễ nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nguyện tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không ngừng nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó. Ngay sau khi bầu Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi ban kiểm phiếu công bố kết quả, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử bầu Chủ tịch nước. 

(01/4) Tiếp tục ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Các ĐBQH thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Nhiều ĐBQH nhận định, trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn. Nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến vấn đề nợ công và cho rằng nợ công đã ở mức báo động cao. Trung bình mỗi năm nợ công tăng 2% GDP, riêng năm 2015 tăng tới 4% GDP. Nợ công đang bào mòn ngân sách vì đã đến hạn trả nợ. Vì thế, thời gian tới cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nợ công, xây dựng cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn. Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống người dân. Có đại biểu cho rằng lạm phát đang có xu hướng tăng trở lại và có thể tăng cao trong năm 2016. Vì vậy, việc điều chỉnh giá những mặt hàng thiết yếu như: điện, nước, xăng dầu,... cần thận trọng, vì nếu điều chỉnh dồn dập sẽ gây “lạm phát tâm lý”. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt vốn vay ODA, chỉ ưu tiên cho những dự án cấp thiết. Cần tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tinh gọn bộ máy, nên có bộ phận hỗ trợ dịch vụ công miễn phí cho người dân và doanh nghiệp. 

(02/4) Ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII

Với 452 phiếu tán thành, chiếm 91% tổng số đại biểu có mặt, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã được Quốc Hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Với niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nguyện hết sức mình phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân; kế thừa truyền thống của dân tộc, kinh nghiệm của tiền bối để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích và an ninh quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập trên trường quốc tế, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Cũng trong ngày làm việc thứ 11, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước./.

Tổng hợp: Lan Hương

Tệp đính kèm