Cập nhật: 11/04/2016 10:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

   


Món ăn chế biến từ lương thực

Cách chế biến cơm, cháo hay khoai, sắn, củ của người Cao Lan cũng tương tự như cách chế biến của những tộc người ở cùng địa phương. Đáng chú ý là tất cả các món ăn như cơm và những đồ ăn thay cho cơm thì món xôi tốn nhiều công sức và thời gian chuẩn bị hơn cả. Song, tất cả các món đó đều là những món ăn chín nên được họ chế biến qua lửa bằng các hình thức như nấu, đồ, luộc, nướng... Đối với cơm, có thể là cơm tẻ hay cơm nếp đều phải nấu. Còn xôi thì nhất thiết phải đồ. Trước đây, trong điều kiện thiếu nồi to, khi có đám người Cao Lan ở đây cũng hay đồ cơm tẻ bằng chỗ đồ xôi giống như người Tày hoặc người Dao. Riêng khoai, sắn, củ các loại người Cao Lan thường đem luộc cho đến khi chín đều, cũng có trường hợp rửa sạch rồi đem đồ. Tuy vậy, ngoài hình thức luộc và đồ, khoai, sắn hoặc củ cũng có thể chế biến thành những món khác gọi là thức ăn và một trong những cách đó là thái nhỏ nấu canh mặn.

Ứng xử trong ăn uống

Trong một gia đình, các thành viên thường ngồi ăn cùng mâm, rất ít trường hợp tách ra thành nhiều mâm. Vị trí để bày mâm ở trong nhà có thể ở gian cạnh bếp hoặc trong gian khách. Về vị trí ngồi ăn, nếu trong nhà chỉ có một đôi vợ chồng cùng các con chưa xây dựng gia đình thì bố nhất thiết phải ngồi ở hàng trên nơi cùng phía với bàn thờ, còn các thành viên khác ngồi ở phía nào cũng được. Trường hợp trong nhà có đông người ăn cùng mâm thì hàng phía trên nơi gần bàn thờ dành cho ông, bố và các con trai lớn; hàng ở phía giáp với bếp là nơi ngồi của các con dâu thứ và con gái lớn, hàng ở phía dưới đối diện với hàng trên là nơi ngồi của trẻ con, hàng còn lại là chỗ ngồi của bà, con dâu cả cùng với con trai nhỏ tuổi.

Giống như một số tộc người anh em, việc chia ra thành nhiều mâm để ăn uống ở trong gia đình người Cao Lan ở đây chỉ thấy khi trong nhà có khách hoặc các thành viên quá đông không đủ chỗ để ngồi ăn cùng mâm. Theo lời kể của các cụ già người Cao Lan việc chia thành các mâm để uống mới xuất hiện cách đây một vài năm và thường xảy ra đối với những gia đình có nhiều thành viên . Trong ăn uống, thói quen của họ là khi đã ngồi vào mâm cần phải đợi cho đủ người, kể cả trẻ em thì mới được phép cầm bát đũa. Khi có khách, người Cao Lan có thói quen như người Tày hoặc người Dao là xới đầy một đĩa hay một bát to cơm đặt ở cạnh mâm để khách và các cụ già tự xúc vào bát ăn của mình.

Đáng chú ý là trong những ngày Tết, họ tập trung ăn cùng mâm và món ăn cũng thấy đa dạng và phong phú hơn, phụ thuộc vào tập quán đón Tết của họ và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Chẳng hạn, trong dịp Tết Nguyên đán thường phổ biến những món ăn như: bánh chưng, thịt lợn, thịt gà, bún...

Riêng những gia đình có kinh tế khá giả và có điều kiện chuẩn bị Tết thì có thêm nhiều món ăn khác như: giò, thịt lợn quay, thịt ngan, cá, miến, măng... cùng với nhiều loại bánh như, bánh gio, bánh gai, bánh khảo, bỏng gạo... Trong dịp Tết mồng 3 tháng 3 âm lịch thì có xôi màu, thịt gà, thịt cá.

Đối với các nghi lễ khác như đám cưới, vào nhà mới, đám ma... thì các món ăn thường phải được chế biến theo chuẩn mực đã được tập quán ở địa phương quy định. Chẳng hạn, trước đây số lượng món ăn trong đám cưới thường phải có xôi, thịt gà luộc, thịt lợn luộc, thịt lợn quay, lòng gan lợn, canh măng hoặc canh đậu tương hầm. Hiện nay do đời sổng kinh tế đã khá giả hơn nên cỗ cưới của người Cao Lan ở đây cũng tương đồng với người Việt láng giềng. Về cách sắp xếp số người ngồi ăn trong mỗi mâm thường tuỳ theo từng gia đình, có gia đình làm theo tập quán của người Việt là xếp 6 người trong một mâm, nhưng cũng có gia đình xếp 8 người trong một mâm. Mặc dù vậy, vị trí ngồi ăn vẫn được xếp theo giới, theo ngôi thứ và vị thế trong dòng họ cũng như tuổi tác và địa vị của khách được mời đến dự đám.

ST

Tệp đính kèm