Viêm mũi họng cấp tính là bệnh dễ dàng mắc phải ở bất kỳ độ tuổi nào, và hầu như không ai có thể tránh khỏi dù có giữ gìn sức khỏe kỹ lưỡng đến đâu! trong đó, ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo (dưới 6 tuổi), các bé chưa có ý thức tự chăm sóc cơ thể, bệnh tác động nhiều hơn đến sức khỏe vì sức đề kháng yếu cùng hốc mũi hẹp.
Bởi các lý do trên, việc hiểu rõ thêm về bệnh sẽ giúp quý vị phụ huynh có cái nhìn thấu đáo và bình tĩnh hơn để xử trí đúng mức, không quá hoang mang cũng như không để xảy ra những biến chứng nặng hơn vì quá xem thường.
Nguyên nhân gây bệnh
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do nhiễm phải các siêu vi hoặc vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp như: Adeno virút, Rhino virút, Haemophilus influenzae, Streptococus... Khi gặp điều kiện thuận lợi như: những lúc giao mùa, những vùng có khí hậu lạnh lẽo ẩm thấp, môi trường sống nhiều bụi khói hoặc vệ sinh kém... thì các tác nhân nói trên dễ dàng sinh sôi nảy nở và xâm nhập vào đường hô hấp của các bé gây ra viêm mũi họng.
Adeno virút
Viêm mũi họng ở trẻ em có đặc tính là hay tái phát và khi tái phát nhiều lần quá thì có nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em ở độ tuổi còn bú mẹ. Các bé bị mắc các chứng còi xương, suy dinh dưỡng, sinh non tháng, cơ địa dị ứng hoặc có các bệnh lý gây suy giảm hệ thống miễn dịch như: bị sởi, cúm, nhiễm HIV từ mẹ... là những đối tượng đặc biệt thuận lợi cho sự tái phát của bệnh viêm mũi họng.
Rhino virút
Bình thường, trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng cấp với tần suất 4 - 6 lần/năm. Khi các bé đi nhà trẻ hoặc học mẫu giáo thì con số này có thể tăng lên đến trên dưới 10 lần/năm vì môi trường thay đổi so với môi trường quen thuộc ở nhà lâu nay cộng với sự lây nhiễm chéo giữa các bé với nhau, nhưng theo thời gian thì tần suất này sẽ giảm dần. Về mặt tích cực thì dù tần suất bệnh có tăng lên chút ít, nhưng đồng thời cũng giúp hệ miễn dịch của các bé tăng khả năng nhận diện và đề kháng với các tác nhân gây bệnh khác mà các bạn đã “trao đổi” cho! Chính vì vậy, các bà mẹ cũng không nên bi quan, lo lắng quá mức khi thấy con bị bệnh nhiều hơn từ khi đi nhà trẻ: cứ hễ đi học vài ngày thì lại bị ho, sổ mũi và phải nghỉ vài ngày... Tuy nhiên cũng không nên quá “vô tư” lơ là thiếu chăm sóc, vì nếu viêm mũi họng tái phát quá nhiều lần thì sẽ gia tăng nguy cơ các cháu bị các biến chứng nặng nề như: viêm tai giữa, viêm màng não...
Triệu chứng lâm sàng
Sốt: sốt cao là triệu chứng dễ phát hiện sớm nhất sốt có khi đến 39 - 400C. Ban ngày thì trẻ nằm lịm, ban đêm thì lại quấy khóc liên tục và thường gây rất nhiều căng thẳng lẫn mệt mỏi cho các bậc phụ huynh vì phải bồng ẵm suốt đêm thì các bé mới đỡ quấy đôi chút. Rất nên lưu ý khi trẻ sốt cao vì dễ xảy ra co giật.
Nhiễm cầu khuẩn Beta tan huyết nhóm A có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc bệnh thấp tim
Triệu chứng hô hấp: cả 2 mũi của bệnh nhi bị nghẹt vì sung huyết phù nề hoặc do xuất tiết dịch mũi nhầy làm trẻ phải há miệng để thở khá khó khăn và tiếng thở nghe khò khè. Khám họng thì thấy niêm mạc họng sung huyết đỏ, tăng tiết dịch nhầy, nhưng không có mủ hoặc giả mạc.
Khó khăn trong ăn uống: trẻ trở nên mệt mỏi, thường xuyên quấy khóc, kích động, bỏ bú bỏ ăn vì mũi bị tắc. Khi trẻ khóc hoặc giãy dụa thì có hiện tượng co kéo ở vùng thượng vị. Trẻ hay bị đi tướt hoặc nôn ói và mau chóng gầy tọp đi.
Bệnh diễn tiến trong khoảng 3 - 5 ngày rồi bắt đầu thuyên giảm: bớt sổ mũi, thở dễ hơn, nhiệt độ lui dần về bình thường. Riêng các triệu chứng về tiêu hóa như đi tướt và nôn ói có thể kéo dài thêm đôi ba ngày nữa mới tạm ổn. Mặc dù bệnh đã ổn nhưng lại dễ tái phát, và khi tái phát thường xuyên thì dễ đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa mủ, viêm tai xương chũm cấp với hội chứng nhiễm độc thần kinh, viêm thanh quản cấp, viêm phế quản, viêm tấy thành sau họng. Sốt và viêm nhiễm có thể kéo dài, dần dần đưa đến rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, thiếu máu.
Sốt cao là triệu chứng dễ phát hiện sớm nhất
Đặc biệt, khi trẻ bị viêm mũi họng do nhiễm liên cầu khuẩn Beta tan huyết nhóm A (Streptococcus beta haemolytic group A) thì có thể dẫn đến biến chứng viêm cầu thận cấp hoặc bệnh thấp tim. Các biến chứng này thường xuất hiện vài tuần sau khi trẻ hết viêm mũi họng và có thể gây ra tử vong hoặc gây nhiều di chứng ảnh hưởng xấu đến thể lực lẫn sức khỏe của các bé về sau này!
Điều trị
Việc đầu tiên cần làm là giúp mũi thông thoáng bằng cách làm loãng dịch nhầy trong 2 hốc mũi để trẻ dễ dàng xì mũi sạch hoặc dùng dụng cụ hút mũi để hút sạch. Các loại dung dịch dùng để nhỏ mũi hoặc xịt rửa mũi có thể dễ dàng tìm thấy trên thị trường như dung dịch nước muối sinh lý 0.9%, các loại dung dịch nước biển sâu như Xisat, Humer, Sterimar...
Mũi có thở thông thì sức đề kháng của niêm mạc mới mau phục hồi và đồng thời trẻ mới có thể bú hoặc ăn được.
Điều trị triệu chứng bằng các thuốc giảm phù nề, giảm sung huyết hoặc thuốc hạ sốt. Thuốc kháng sinh chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ điều trị trong trường hợp nhiễm khuẩn hoặc đe dọa có biến chứng, tuyệt đối không được tự ý mua kháng sinh và tự ý dùng bừa bãi vì sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc về sau và có thể làm bệnh trở nặng hơn!
Ngoài ra, cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ bằng chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng và dễ hấp thu.
Phòng bệnh
- Tập thói quen vệ sinh mũi họng và chăm sóc răng miệng hàng ngày cho trẻ.
- Nơi ở phải đảm bảo thoáng và sạch, tránh khói bụi cũng như gió lùa.
- Nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp và thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng định kỳ.
- Không nên để người lạ bồng bế và hôn hít trẻ, đây là thói quen xấu của nhiều người Việt cũng như vài nước Đông Nam Á khác cần loại bỏ.
- Nên tiến hành nạo VA cho các bé hay bị nhiều lần viêm mũi họng tái phát.
BS. PHAN QUỐC BẢO
Theo suckhoedoisong.vn