Cập nhật: 14/04/2016 08:59:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 Hải quân (Bình Thuận) là nơi sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P.

Một buổi tập luyện của cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 681 với dàn tên lửa hiện đại.

Có một cảm xúc tự hào cộng với sự vững tin trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo khi thăm lữ đoàn tên lửa bờ 681, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-2015).

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 Hải quân (Bình Thuận) là nơi sở hữu tổ hợp tên lửa đất đối hải Bastion-P – tên lửa phòng thủ bờ biển di động tối tân bậc nhất. Trên thế giới chỉ có ba quốc gia sở hữu được Bastion-P: Nga (nước sản xuất), Việt Nam và Syria.

“Nhiệm vụ của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ là bảo vệ khu vực bờ biển và bảo đảm an toàn các tàu chiến đấu của ta khi có xung đột quân sự xảy ra. Ở cự ly 300km, tổ hợp tên lửa này có thể tấn công tất cả các loại tàu mặt nước từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay cũng như hạm tàu đơn lẻ. Phạm vi hỏa lực của dàn tên lửa bờ này gây nhiều khó khăn cho lực lượng tàu đối phương tiếp cận, áp sát tàu mình ở khoảng cách này” - thượng tá Nguyễn Đình Tự (phó lữ đoàn trưởng phụ trách quân sự) nói.

Thành trì bảo vệ Tổ quốc từ phía biển

Lữ đoàn trưởng - đại tá Nguyễn Hưng Long giải thích thêm: “Trong chiến đấu, tên lửa bờ không tác chiến riêng lẻ mà phối hợp với nhiều lực lượng khác: không quân, tàu tên lửa, tàu ngầm... Trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, khi có xung đột quân sự trên biển, bộ đội tên lửa bờ là lực lượng xung kích đầu tiên với nhiệm vụ phải bảo đảm tạo được không gian chiến trường cho các lực lượng khác chiến đấu. Cho nên lực lượng tên lửa bờ đã vào trận đánh là phải chắc thắng.

Tên lửa bờ Bastion-P có khả năng răn đe rất lớn. Trong phạm vi hỏa lực của nó (300km), biên đội tàu địch gặp nhiều khó khăn khi phải triển khai đội hình hoặc phải triển khai đội hình ngoài phạm vi hỏa lực. Và đó là thời điểm tạo điều kiện cho tàu ta không bị phong tỏa, hỗ trợ các lực lượng hiệp đồng khác tăng thêm sức mạnh và khả năng chiến đấu”.

Thượng tá Nguyễn Đình Tự giải thích trong tiếng Nga “bastion” nghĩa là “thành trì”. Tổ hợp tên lửa này được mệnh danh là “hệ thống tên lửa bầy sói” vì tính năng dũng mãnh của nó: phạm vi tiêu diệt mục tiêu rộng, trần bay thấp, tốc độ cao (rađa đối phương khó quét và nếu có phát hiện thì không xử lý kịp)...

“Các loại tên lửa đất đối hải hiện nay không loại nào sánh kịp với Bastion-P. Chưa có loại tên lửa đất đối hải nào chống được loại tên lửa này” - thượng tá Nguyễn Đình Tự cho hay.

Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tổ hợp tên lửa Bastion-P có khả năng bảo vệ vùng bờ biển dài 600km. Đặc biệt, chỉ năm phút sau khi nhận lệnh, Bastion-P có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang sẵn sàng chiến đấu. Rađa Monolit-B - “mắt thần” của tổ hợp tên lửa này - cùng lúc quan sát được năm mục tiêu, bám sát mười mục tiêu.

Đất và người ở vùng nắng, gió

Lữ đoàn tên lửa bờ 681 có “tuổi đời” còn rất trẻ: mới thành lập ngày 23-8-2006. Chính ủy lữ đoàn 681 - đại tá Đỗ Minh Tuấn tự hào cho biết năm 2010 đơn vị đã đạt thành tích đặc biệt khi tiếp nhận bàn giao, nghiệm thu, đào tạo, huấn luyện sử dụng... và đưa vào đội hình chiến đấu vượt kế hoạch ba tháng.

Trước đó năm 2009, dàn sĩ quan khung đầu tiên gồm những người được lựa chọn rất kỹ trong toàn quân chủng và đưa đi Nga đào tạo.

Vì vũ khí khí tài rất hiện đại, hàm lượng kỹ thuật cao nên con người phải là những lựa chọn tốt nhất: trẻ, có sức khỏe, có trình độ và bản lĩnh. Không có người đi trước để rút ra kinh nghiệm, thời gian có hạn, anh em làm theo đúng lời thầy: “vắt kiệt trí tuệ của thầy”.

Trong hai tháng học lý thuyết, hai tháng học trên máy thật ở nhà máy sản xuất, cứ 3-5 ngày giáo viên lại kiểm tra một lần. Vượt qua khó khăn ban đầu về ngoại ngữ, các trắc thủ đã chinh phục được tất cả kỳ kiểm tra gắt gao, nghiêm ngặt về chuyên môn và đạt điểm khá, giỏi. Khung sĩ quan đầu tiên này sau đó về nước, đủ khả năng đào tạo lại cho các kíp đàn em.

Dàn sĩ quan hiện nay ở lữ đoàn là những người được tuyển chọn kỹ từ Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Hải quân, Phòng không không quân và cả nước ngoài về. Điều tôi ngạc nhiên nhất là những con người đang làm chủ hệ thống vũ khí hiện đại này đều rất trẻ. Nhiều người trong số họ mới ra trường 1 - 2 năm, thậm chí mới ba tháng.

Năm 2013, vừa tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, 24 tuổi, trung úy Nguyễn Thanh Huy đã là phó trưởng ngành kiểm tra tổng hợp - ngành “trái tim” của trạm kỹ thuật. Ở bộ phận của Huy toàn dân 9X, 8X. Ngành trưởng cũng chỉ sinh năm 1986.

Theo baodatviet.vn

Tệp đính kèm