Những công nhân mặc áo lính Thành An 96 ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi, xây dựng những công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Công trình bến cập tàu Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Từ một xưởng mộc nhỏ sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đến nay Công ty Cổ phần xây lắp Thành An 96 (gọi tắt là Công ty Thành An 96), Binh đoàn 11 trở thành một doanh nghiệp quân đội có tên tuổi với doanh thu mỗi năm lên đến gần 3 ngàn tỉ đồng.
Nhiều công trình trên mọi miền đất nước in đậm dấu ấn của Công ty, trong đó có những công trình thuộc Chương trình Biển Đông hải đảo. Những công nhân mặc áo lính của Công ty Thành An 96 ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi, xây dựng những công trình phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng biên giới, hải đảo.
Sau thời gian thi công trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của biển cả, bão gió, đê chắn sóng bảo vệ đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị được xây dựng bằng đá hộc cùng các cấu kiện bê tông như một cánh tay rắn chắc vươn dài ra biển, che chắn cho đảo tiền tiêu. Hàng trăm cán bộ, kỹ sư Công ty Xây lắp Thành An 96 đánh vật với những cơn sóng dữ để làm nên công trình kiên cố này.
Ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ không giấu được niềm vui: “Cồn Cỏ là huyện đảo nằm độc lập giữa biển khơi nên sạt lở bờ biển rất lớn. Vừa rồi Chính phủ đầu tư kè bảo vệ bờ biển kết hợp phát triển kinh tế.
Chúng tôi chọn các đơn vị quen thi công các công trình trên biển và có năng lực như Thành An 96 của Bộ Quốc phòng rất nhiều công trình ở đây. Thành An 96 có năng lực tài chính rất là lớn có thể đảm bảo các công trình vừa tiến độ và chất lượng trong môi trường biển”.
Bây giờ, hoạt động của Công ty Thành An 96 trải rộng các tỉnh, thành phố miền Trung và cả nước, thi công nhiều công trình giá trị lớn, kỹ thuật phức tạp như các công trình của lực lượng Hải quân; công trình cáp quang quốc tế. Đặc biệt là thi công xây dựng những công trình thuộc Chương trình Biển Đông hải đảo với những yêu cầu kỹ thuật khá phức tạp. Rất nhiều công trình hạ tầng tại các đảo ven biển từ Bắc vào Nam đều có bàn tay người thợ Thành An xây dựng.
Công trình Bệnh viện 211 - Tây Nguyên.
Đó là những công trình quan trọng như: Đường cơ động phía Đông nam huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Các công trình hạ tầng trên đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam; kè chống sạt lở bảo vệ đảo Cồn Cỏ, đê chắn sóng Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị; Kè chống sạt lở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận; Thổ Chu, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Cảng cá Đề Gi, tỉnh Bình Định và nhiều công trình kinh tế kết hợp quốc phòng của Vùng 3, Vùng 4 Hải quân, Vùng 2 Cảnh sát biển. Đặc biệt là công trình đê chắn sóng kết hợp xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh bắc Bộ tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh phải tốn nhiều công sức và thời gian.
Đại tá Nguyễn Ngọc Huệ, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Thành An 96 bộc bạch, hoạt động chủ yếu tại địa bàn miền Trung, thiên tai ngày càng khắc nghiệt, những người lính Công ty 96 luôn đối mặt với gian truân, chấp nhận hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Huệ kể, để xây dựng những con đê chắn sóng lừng lững giữa biển, biện pháp thi công là đúc thùng chìm bằng bê tông thả xuống biển, lắp ghép lại rồi đổ cát vào thùng, tạo thành đê quai. Mỗi thùng chìm này cao như một tòa nhà, nặng đến 350 tấn và phải đúc từ đất liền rồi dùng sà lan chở ra biển. Sau nhiều năm thử nghiệm, những người lính Công ty Thành An 96 sáng tạo bằng cách đúc thùng chìm ngay trên đảo, làm đường ray để kéo xuống biển, sau đó lai dắt ra vị trí lắp ghép. Với sáng kiến này, những con đê cả ngàn mét được thi công nhanh hơn.
Đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600 CV Đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Huệ tâm sự, thi công trên biển, người lính phải linh hoạt theo chế độ thủy văn, anh em phải nghe ngóng thời tiết, thủy văn từng ngày một: “Trong quá trình thi công sản xuất, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị bám sát kế hoạch, xây dựng tiến độ sát với tình hình thực tế, tổ chức thi công đảm bảo đúng yêu cầu của chủ đầu tư. Điều quan trọng nữa là quá trình thi công chú trọng đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi công sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế”.
Không sao kể hết nỗi gian truân mà người lính xây dựng phải nếm trải nơi biển đảo, biên giới. Những cơn siêu bão trên biển, những đợt gió Lào khô khốc nơi đại ngàn Trường Sơn không làm chùn bước chân người lính Công ty Thành An 96.
Các anh đã chung sức đồng lòng tạo dựng uy tín của doanh nghiệp. Trong 5 năm 2011- 2015, Công ty Thành An 96 đã thực hiện 422 công trình, tổng trị giá 5.715 tỉ đồng, doanh thu năm 2015 đạt hơn 2500 tỷ đồng.
Mỗi năm, Công ty đóng góp hàng trăm triệu đồng cho chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội và chính sách hậu phương quân đội ở các tỉnh miền Trung.
Mỗi năm Công ty Thành An 96 dành hàng trăm triệu đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội.
Đại tá Võ Cửu Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Thành An 96 cho rằng, làm ăn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, vấn đề mang tính sống còn là lấy chất lượng, tiến độ và uy tín làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, tập thể và các cổ đông: “Chúng tôi phân cấp mạnh cho cơ sở, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thực hiện đầy đủ 7 điều cần biết.
Đó là “biết đoàn kết nội bộ, biết tạo việc làm, biết tổ chức sản xuất, biết hạch toán kinh tế, biết đối nhân xử thế, biết liên tục đổi mới, biết đóng góp và chia sẻ”.
Đó cũng là bí quyết mang lại thành công cho Công ty Thành An 96 trong một phần năm thế kỷ trôi qua./.
Theo Thanh Hà- Hoài Nam/VOV.VN