Cập nhật: 19/04/2016 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trái nổi báo nước mặn” là dụng cụ hỗ trợ khá hiệu quả, giúp người dân có thể phát hiện độ mặn để có biện pháp tránh thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.

Cô giáo Lư Thị Huệ cùng hai em Lê Thị Hồng Gấm và Lê Phúc Hưng với dự án "Trái nổi báo nước mặn"

Với trái bóng nhựa có giá chưa đến 3.000 đồng, hai học sinh Trường THCS Phan Văn Trị, Thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, với sự hướng dẫn của cô giáo, đã thực hiện thành công dự án “Trái nổi báo nước mặn”.

Đoạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2015 - 2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam, dự án đang được nông dân ứng dụng để dự báo kịp thời tình trạng xâm nhập mặn để chủ động ứng phó.

Hai em Lê Thị Hồng Gấm và Lê Phúc Hưng, học sinh lớp 9A3, Trường THCS Phan Văn Trị, Thành phố Vị Thanh xuất thân từ nông thôn nên hiểu rất rõ sự cơ cực của người nông dân, nhất là vào mùa khô hạn. Do không biết nước mặn xâm nhập nên đôi khi không ít người dân đã lấy nước này tưới cho cây trồng; cây chết, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Khi cô giáo Lư Thị Huệ, giáo viên bộ môn vật lý gợi ý thực hiện dự án: “Trái nổi báo nước mặn”, hai em đã hăng hái tham gia với ước mong dự án thành công sẽ giúp người dân ở những vùng xâm nhập mặn có những biện pháp kịp thời để ứng phó.

Em Lê Thị Hồng Gấm cho biết: “Nhà em ở trong quê bị nước mặn xâm nhập, ba em không biết nên đã tưới lên rau nên rau chết. Ở trường được cô đề nghị hướng dẫn tham gia làm đề tài trái nổi báo hiệu nước mặn, em thấy hay nên đã quyết định tìm hiểu”.

Đầu tiên, học sinh chọn trái bóng nhựa để làm trái nổi và đánh số theo tỷ lệ nước muối chứa bên trong từ 1 đến 10 phần nghìn. Tiếp theo, các em dùng bơm kim tiêm để đưa nước muối đã pha vào bên trong trái bóng và dùng keo để bịt chặt chỗ đã cho nước muối vào. Thả xuống các kênh, mương nếu các trái này đều chìm xuống bên dưới nước thì đó là nước ngọt; còn khi thấy nổi lên bề mặt, đây là nước mặn. Độ mặn của nước có thể xác định dựa trên các số đánh dấu trên trái bóng theo tỷ lệ nước muối chứa bên trong.

Cô giáo Lư Thị Huệ cho biết, dự án hoàn thành với độ chuẩn xác cao. Cô trò mất hơn 6 tháng vừa làm, vừa ứng dụng vào thực tế tại các hộ nông dân. Sau đó, khắc phục dần những hạn chế, thiếu sót.

“Giáo viên và học sinh làm thí nghiệm nhiều trái, nhiều màu, có nồng độ phần nghìn khác nhau, giúp cho người dân nhận biết được độ mặn. Mỗi sáng ra nhìn vào cái rổ của mình, trái nổi nào nước mặn bên ngoài và bên trong trái nổi cân bằng nhau thì trái nổi đó sẽ nổi lên, nước mặn đã về và về bao nhiêu phần nghìn. Khi độ mặn giảm nước ngọt về trái nổi hạ dần xuống, hạ dần cho đến nồng độ cho phép thì người dân trữ nước ngọt lại tưới rau quả, cây trái, chăn nuôi, sinh hoạt hàng ngày một cách vô tư”- cô Huệ chia sẻ.

 

Ông Lê Văn Tám nhìn vào trái nổi để kiểm tra độ mặn

Trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia năm học 2015 - 2016 dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam vừa qua, Dự án “Trái nổi báo nước mặn” đã đoạt giải Khuyến khích và hai giải đặc biệt do trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Đại học Quốc tế Hồng Bàng trao tặng. Điều làm cô trò hạnh phúc nhất là khi xâm nhập mặn đang gay gắt như hiện nay, kết quả của dự án đã được nhiều nông dân ứng dụng để theo dõi diễn biến của nước mặn, từ đó có biện pháp ứng xử kịp thời.

Gia đình ông Lê Văn Tám ở ấp 1, xã Vị Tân, Thành phố Vị Thanh trồng rau, màu quanh năm. Vào mùa khô, để biết mặn có xâm nhập vào kênh, rạch hay không, ông thường phải theo dõi thông tin trên báo, đài. Dịp Tết vừa qua, do lơ là không theo dõi thông tin, ông đã lấy nước mặn từ con rạch trước nhà tưới lên rau, màu; toàn bộ diện tích này đã bị thiệt hại. “Trái nổi báo nước mặn” giúp ông không còn lo sợ tưới nhầm nước mặn nữa.

Ông Lê Văn Tám cho biết: “Bây giờ có trái nổi, người dân sẽ dễ nhận biết được độ mặn của nước. Nếu sáng thấy trái nổi nổi lên thì người dân biết được độ mặn ở mức nào để có cách thức chăm sóc, tưới cây. Điều này sẽ giúp người dân đỡ vất vả hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang, “Trái nổi báo nước mặn” là dụng cụ hỗ trợ khá hiệu quả, giúp người dân có thể phát hiện mặn sớm và kịp thời tích trữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Giải pháp này rất đơn giản, ít tốn kém, dễ thực hiện nhưng mang lại hiệu quả rất cao, giúp cho nông dân ở các vùng đất bị nước mặn xâm nhập kiểm tra được độ mặn trên các sông rạch để có biện pháp đối phó kịp thời, tránh thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi.

Hiện nay, để đo độ mặn chỉ có thể sử dụng máy đo. Tuy nhiên, giá của một máy đo độ mặn thường rất cao, từ gần 2 triệu đến hơn 20 triệu đồng/máy. Trong khi đó, chỉ cần vài chục nghìn, các hộ nông dân đã có được 10 trái nổi báo độ mặn./. 

Theo Tấn Phong/VOV.VN

Tệp đính kèm