Cập nhật: 23/04/2016 09:36:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một số đề tài luận án tiến sĩ nghe “lạ tai” không phải là không có tính thực tiễn với cuộc sống nên đừng vội kết luận về chất lượng của luận án.

Hiện nay, dư luận xã hội đang quan tâm về một số đề tài luận án tiến sĩ được nghe “lạ tai” và như: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”... Không chỉ nghe “lạ tai” mà dư luận hoài nghi về tính thiết thực của các đề tài này trong cuộc sống.

Để giúp dư luận hiểu rõ hơn về tên các đề tài này, tại buổi họp báo xung quanh chủ đề “lò sản xuất tiến sĩ” do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 22/4, GS.TS Vũ Dũng, Chủ nhiệm khoa Tâm lý học (Viện Tâm lý học) và GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam) đã có những nhận xét về hai luận án trên.

 

GS.TS Vũ Dũng, Chủ nhiệm khoa Tâm lý học (Viện Tâm lý học) phát biểu

Theo GS.TS Vũ Dũng, luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã” là đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất tốt.

Về lý luận, nghiên cứu giao tiếp là một trong những vấn đề hết sức quan trọng của con người, không có giao tiếp không có con người, không có xã hội. Ví dụ 1 đứa trẻ sống với bầy sói không biết đi, không biết nói, chỉ biết cắn xé. Con người xa môi trường giao tiếp không là con người, không hình thành nhân cách.

Vấn đề nghiên cứu của đề tài rất ít được nghiên cứu, thậm chí đây là đề tài đầu tiên về vấn đề giao tiếp với dân. Đề tài bổ sung lý luận cho lĩnh vực nghiên cứu tâm lý.

Ông Vũ Dũng khẳng định, luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã” có tính thực tiễn tốt. Tính đến tháng 5/2015, nước ta có số lượng xã lớn, với 11.164 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, một số địa phương có số lượng đơn vị cấp xã rất lớn như Thanh Hóa, Hà Nội, Nghệ An… Với số lượng cán bộ đơn vị cấp cơ sở lớn như vậy rất đáng để nghiên cứu.

Giải thích về việc chủ tịch xã phải có hiểu biết và cách thức trong giao tiếp với dân mà không phải ở cán bộ cấp huyện, tỉnh, cơ quan Trung ương, ông Vũ Dũng cho rằng, xã là cấp chính quyền cuối cùng, gần dân nhất, tiếp xúc trực tiếp với dân, triển khai chủ trương chính sách đến với dân. Chủ tịch xã là một trong 4 cán bộ chủ chốt của xã. Chủ tịch xã có gần dân, hiểu dân hay không phải có giao tiếp với dân.

Trong thời gian gần đây, mọi người nói đến một số hạn chế của của cán bộ cơ sở như: quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu... Những hành vi này không nói cảm tính được mà phải có nghiên cứu thực chứng và luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã” đã thực hiện được điều này.

GS.TS Vũ Dũng nhấn mạnh: “Trong suy nghĩ của nhiều người, luận án tiến sĩ phải to tát, hoành tráng, cao siêu nhưng hoàn toàn không phải vậy. Tôi đi 20 nước, đã tới hàng chục trường ĐH, ở các nước phát triển, những vấn đề nghiên cứu hết sức cụ thể. Ví dụ có những đề tài nghiên cứu về hành vi viết chữ trong nhà vệ sinh, nhổ nước bọt ngoài đường… Nếu ở Việt Nam sẽ thành vớ vẩn, nhưng ở nước ngoài được đánh giá có tính thực tiễn, văn hóa lớn. Đừng vội kết luận chất lượng đề tài luận án tiến sĩ nghe lạ tai.

Nhìn chung, các đề tài nghiên cứu của Học viện nói chung xuất phát từ yêu cầu gắn với thực tiễn… Viện Tâm lý học đi theo đường đó, nên không có đề tài nào mông lung xa vời, thiếu thực tiễn”.

Về chất lượng của luận án “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”, ông Vũ Dũng cho biết, nghiên cứu sinh phải thi đầu vào. Tiếp theo, Hội đồng xác định tên đề tài, góp ý đề cương chi tiết. Hội đồng đánh giá các chuyên đề tiến sĩ kiểm định lại đề tài, nội dung, quá trình thực hiện. Sau đó, Hội đồng tư vấn góp ý trước khi bảo vệ cấp cơ sở và sau đó là đánh giá cấp cơ sở…

Qua các cấp kiểm duyệt như vậy không thể có đề tài vô nghĩa, thiếu thực tế được đưa ra bảo vệ.

 

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm khoa

Ngôn ngữ học (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam)

Đối với luận án tiến sĩ “Hành vi nịnh trong Tiếng Việt”, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ học, Chủ tịch Hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài về “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”  cho biết, đây là đề tài tốt, có tính thực tiễn cao.

Hành vi nịnh có những đặc trưng riêng cho nhân loại, cho văn hóa. Ví dụ hành vi thề, ở phương Đông thề kiểu khác, dân tộc thề kiểu khác. Nghiên cứu trong từng bối cảnh cụ thể và có sự so sánh để thấy sự khác biệt.

“Không nên đánh giá nịnh theo nghĩa dung tục theo cách hiểu xã hội. Còn Viện Ngôn ngữ học quan sát theo góc độ xã hội học thì hành vi nịnh của người Việt có cái chung và cái riêng góp phần vào ngôn ngữ thế giới.

Ví dụ nghiên cứu về tội phạm không phải là để cổ vũ tội phạm, mà là để ngăn ngừa. Nghiên cứu về nịnh có thể là để nhận diện một con người. Việc đó rất tốt, không nên quy chụp nịnh có gì mà nghiên cứu.

“Hành vi nịnh trong Tiếng Việt” là luận án khá tốt. Đề tài có tác động thực tiễn lớn đối với xã hội, để ngăn trừ nịnh, phải biết và hiểu về khái niệm này” - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói./.

Theo Bích Lan/VOV.VN

Tệp đính kèm