Tỷ lệ người bệnh bị nghèo hóa cũng như chi phí y tế từ tiền túi người dân Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (chiếm 50% chi phí).
PGS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng
Ngày 26/4, tại Hà Nội, Trường Đại học Y tế công cộng và Hội Y tế công cộng phối hợp tổ chức Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Y tế công cộng Việt Nam: Thực trạng và định hướng tương lai”.
Tại hội nghị, một nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho thấy, tỷ lệ người bệnh bị nghèo hóa cũng như chi phí y tế từ tiền túi người dân Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao (chiếm 50% chi phí).
Chi phí y tế ở nước ta hiện nay gồm 5 nguồn: ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, viện trợ nước ngoài, chi phí trực tiếp từ hộ gia đình và các nguồn kinh phí tư nhân khác.
Theo thời gian, chi phí y tế ở Việt Nam liên tục tăng và đạt 190.000 tỷ đồng vào năm 2012, trong đó tổng chi công cho y tế tăng từ hơn 5% GDP năm 1995 lên gần 7% GDP hiện nay.
Bên cạnh đó, mục tiêu hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân với gần 70% dân số có thẻ bảo hiểm y tế hiện nay đã góp phần giúp chi phí y tế từ tiền túi của người dân giảm đáng kể. Tuy nhiên số bệnh nhân bị nghèo hóa và chi phí y tế từ tiền túi của người dân vẫn ở mức cao, đó là mới chỉ tính tiền khám bệnh, tiền thuốc, tiền giường, tiền xét nghiệm.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình gọi là chi phí thảm họa.
Trên thực tế, chi phí thảm họa tại Việt Nam đã giảm từ 8,2% năm 1992 xuống còn gần 2,3% năm 2014, nhưng vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.
PGS Hoàng Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho biết: “Đến năm 2014, tỷ trọng chi cho y tế từ tiền túi của người dân chiếm khoảng 7% khả năng chi trả của hộ gia đình và chiếm khoảng 4% tổng chi phí họ gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình chịu mức thảm họa giảm qua thời gian vào năm 2014 khoảng 2,3% họ gia đình chịu mức chi phí thảm họa, có nghĩa là có khoảng 550.000 hộ gia đình chịu mức thảm họa. Tỷ lệ nghèo hóa cũng có xu hướng giảm. Năm 2014 có 1,7% hộ gia đình Việt Nam roi vào bẫy nghèo đói và chi phí y tế tương đươn với hơn 400.000 hộ gia đình rơi vào bãy nghèo đói. Tuy những con só này giảm nhưng vẫn đáng quan tâm”./.
Theo Hà Nam/VOV.VN