Sau hơn 50 giờ lênh đênh trên biển, Đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã đến với Trường Sa. Trường Sa không còn xa nữa, nơi ấy là quê hương, là biển trời của Tổ quốc thân yêu…
Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy
TP Hồ Chí Minh (người thứ nhất từ phải sang) động viên chiến sĩ Vũ Văn Hiện.
Trong chuyến công tác của đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh ra thăm Trường Sa năm 2016 có năm vị khách đặc biệt. Đó là những người cha, người mẹ của những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển trời quê hương tại Trường Sa. Họ mong tàu đi thật nhanh để được gặp những đứa con thân yêu của mình.
Dù còn nhiều giờ nữa tàu mới đến đảo Song Tử Tây, nhưng chị Đỗ Thị Anh Khoa, nhà ở phường 14, quận Tân Bình đã lên boong tàu nhìn về phía đảo. Chị mong sớm được gặp con trai là Phạm Văn Anh Đại (19 tuổi). Đại nhập ngũ từ tháng 9-2015 và nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây. Chị Khoa cho biết, năm ngoái khi biết con trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và phục vụ tại Trường Sa chị cũng lo lắm. Lo vì không biết con mình có chịu đựng nổi những vất vả gian khó của người lính đảo quanh năm chỉ có nắng, gió, bão táp, mưa giông. Nhưng rồi, sau giây phút hai mẹ con gặp nhau trên đảo, nhìn đứa con nay đã rắn rỏi, trưởng thành, chị đã thật sự vững tin. Đại nắm chặt tay mẹ động viên: “Con bây giờ khác trước lắm, ba mẹ và các em ở nhà không phải lo lắng gì”. Đại còn khoe, vừa rồi được bình chọn là chiến sĩ tiêu biểu cho nên được cấp trên tạo điều kiện cho mẹ ra thăm đấy.
Hạnh phúc và vui hơn khi Đại được đọc lá thư của cậu em trai mới học lớp hai: “Anh Hai có khỏe không? Gia đình mình vẫn bình thường, còn em thì từ đầu năm đến giờ có nhiều điểm mười rồi đấy. Em hứa với anh hai, em sẽ học thật giỏi…”.
Cùng được ôm chặt đứa con trai vào lòng là chị Đào Thị Hồng Hoa (nhà ở quận Bình Tân), mẹ của chiến sĩ Sầm Khắc Huy, cũng đóng quân ở đảo Song Tử Tây. Huy cũng là một trong số các chiến sĩ tiêu biểu của đảo được tạo điều kiện để gặp gia đình lần này. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa cho biết, khi ở nhà Huy rất nhút nhát, rụt rè, vậy mà chỉ mới đi bộ đội một năm, nay Huy đã hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn. Quan trọng hơn, Huy đã biết tự hào, ý thức rất rõ về nghĩa vụ và trách nhiệm của một người lính ngày đêm bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chuyến hành trình, có một người cha, đó là Thiếu tá Vũ Văn Huê đi thăm con là chiến sĩ Vũ Văn Hiện ở đảo Nam Yết. Thiếu tá Vũ Văn Huê hiện là trợ lý Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân. Thiếu tá Huê cũng từng là lính Trường Sa. Hai cha con, hai người lính, hai thế hệ cùng là lính Trường Sa gặp nhau giữa muôn trùng biển khơi với bao hạnh phúc và tự hào. Chiến sĩ Hiện đang từng ngày phấn đấu để tiếp bước cha làm người lính đảo, được cống hiến tài năng và sức trẻ của mình để giữ vững biển đảo quê hương…
Theo Thượng tá Trần Minh Thuần, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, từ năm 2013 đến nay, vào dịp từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tổ chức hai chuyến tàu đưa một số thân nhân của cán bộ, chiến sĩ hiện đang công tác ngoài đảo ra thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa, đồng thời kết hợp gặp gỡ người thân của mình. Những phút giây hạnh ngộ, gặp gỡ giữa ngàn khơi Trường Sa chính là việc làm thiết thực góp phần để đảo xa thêm gần hơn với đất liền; là chất xúc tác tiếp thêm sức mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo vững tin hơn, ấm lòng hơn nơi đầu sóng tiền tiêu.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Trần Tấn Ngời, chia sẻ, qua mỗi chuyến đi ra đảo Trường Sa, những người dân nơi đất liền càng thấy rõ những khó khăn, gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây đang gặp phải. Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi người dân thành phố thấy rõ hơn trách nhiệm của mình với quân dân huyện đảo Trường Sa, từ đó góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trách nhiệm và tấm lòng, ngày càng nhiều công trình ấm áp nghĩa tình của thành phố đã đến với Trường Sa và DK1 như: Công trình ứng dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió cung cấp điện cho Trường Sa, mô hình trồng rau xanh năng suất cao trong điều kiện khắc nghiệt, hệ thống lọc nước sạch, hệ thống thông tin viễn thông... Hơn hết, mỗi năm, TP Hồ Chí Minh đều tiễn hơn 100 con em của mình đến với Trường Sa. Chăm lo cho Trường Sa cũng là chăm lo cho chính con em mình đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa vậy. Mỗi chuyến đi đong đầy biết bao kỷ niệm giữa những thành viên trong đoàn công tác với bộ đội và nhân dân trên các đảo.
Theo nhandan.com.vn