Chiều 29/4, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về những nội dung ở Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra sáng cùng ngày.
Thu gom và tiêu hủy cá chết. (Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN)
Các ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, chủ trì cuộc họp báo.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi có hay không về mối liên hệ giữa Formosa với vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng cho đến nay, cá nhân ông chưa nhận được thông tin chính thức về nguyên nhân ô nhiễm môi trường biển khu vực miền Trung nên không thể khẳng định có liên quan đến Formosa hay không. Tuy nhiên, ông Đông khẳng định không có chủ trương đánh đổi môi trường để lấy dự án.
Nói thêm về vụ cá chết hàng loạt ở một số tỉnh miền Trung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do đó, ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo quyết liệt và sớm chủ động giao cho các bộ, ngành Trung ương và 4 tỉnh có liên quan và trực tiếp cử Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra thực tế ở nơi xảy ra tình trạng thủy sản chết.
Nội dung chỉ đạo của Thủ tướng tập trung với tinh thần cao nhất để làm rõ các vấn đề liên quan, kịp thời báo cáo, thông báo cho nhân dân được biết. Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng để huy động các nhà khoa học trong nước và trường hợp cần thiết có thể mời chuyên gia nước ngoài cùng xác minh, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết thủy hải sản, đảm bảo tính khách quan, khoa học.
Thủ tướng cũng giao cho Bộ Công an tập trung thu thập chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam, kiên quyết làm tới cùng, bằng mọi giải pháp phải trả lời được công luận, nhân dân.
"Trong thời gian xác minh vấn đề, Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương rà soát thiệt hại của ngư dân để có chính sách hỗ trợ người bị thiệt hại với tinh thần không để người dân đói hay thiếu đói. Tuyệt đối nghiêm cấm việc thu gom hải sản chết để tiêu thụ trên thị trường, nghiêm cấm việc kinh doanh, vận chuyển hải sản chết; hướng dẫn người dân trong việc không dùng hải sản chết và cảnh giác với các đối tượng buôn bán nếu có nhằm đảm bảo sức khỏe người dân," Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.
Trả lời câu hỏi hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam đã giải quyết được bao nhiêu phần trăm kiến nghị, ông Mai Tiến Dũng cho biết sau khi hội nghị kết thúc, khoảng 3 giờ chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập các Bộ trưởng để thảo luận những kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung giải quyết một số vấn đề cụ thể như tiếp cận thị trường, thủ tục đất đai, môi trường, bảo hiểm xã hội...
Để chuẩn bị thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp các nhóm vấn đề để đưa vào dự thảo Nghị quyết Phát triển doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở đó sửa đổi Nghị định hướng dẫn 2 luật, loại bỏ các giấy phép con và các quy định không cần thiết.
Liên quan đến nội dung này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết sau cuộc họp trực tuyến sáng nay, các doanh nghiệp phản hồi khá tốt về những thông tin, chỉ đạo của Thủ tướng. Điều này đã giúp khôi phục niềm tin ở khối doanh nghiệp. Nghị quyết Phát triển doanh nghiệp Việt Nam nếu sớm ra đời sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển cộng hưởng với Nghị quyết 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là 2 nghị quyết song hành rất quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Ông Lộc cũng cho biết cho đến thời điểm hiện nay, VCCI đã nhận 338 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó vẫn còn 224 kiến nghị đang chờ trả lời hoặc xem xét trả lời cho doanh nghiệp. Quan điểm của Thủ tướng là yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương trả lời kiến nghị cho doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, VCCI tiếp tục phát động cộng đồng doanh nghiệp cả nước tiếp tục gửi kiến nghị, hiến kế với Thủ tướng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Hội nghị này là sự mở đầu cho sự tương tác mạnh mẽ hơn giữa doanh nghiệp với Chính phủ.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết thêm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đề nghị VCCI tập hợp kịp thời gửi các kiến nghị của doanh nghiệp để gửi tới các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết đến nơi đến chốn các kiến nghị này, không để tình trạng “nước đổ đầu vịt"./.
Theo H. CHUNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/vu-ca-chet-hang-loat-khong-co-viec-danh-doi-moi-truong-lay-du-an/383842.vnp