Việc kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chưa đồng bộ, mới tập trung mạnh ở các cơ quan Trung ương và một số địa phương trọng điểm.
Hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi trộn hóa chất gây ung thư đã được bán ra thị trường (Ảnh: Dân trí)
Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016 quy định, những đối tượng vi phạm liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể chịu mức án cao nhất là 20 năm tù giam. Đây là khung hình phạt thích đáng, răn đe đối với cả người cung cấp, lẫn người chăn nuôi không đề cao tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quy định thì đã có và rất rõ ràng, nhưng để loại bỏ hoàn toàn chất cấm trong chăn nuôi rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
Thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho thấy, việc kiểm tra, lấy mẫu và xử lý vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đến nay mới được thực hiện ở 35 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện vẫn còn 10 địa phương chưa có báo cáo về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Những tháng đầu năm nay, hàng trăm vụ việc được cơ quan chức năng phát hiện liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thực phẩm không đảm bảo an toàn, chủ yếu xảy ra ở các trang trại, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương lần đầu tiên tổ chức tiêu hủy gần 100 con lợn của 2 hộ chăn nuôi tại 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Nai có sử dụng chất cấm.
Thế nhưng thực tế cho thấy, việc tổ chức triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi hiện nay chưa đồng bộ, mới tập trung mạnh ở các cơ quan Trung ương và một số địa phương trọng điểm, còn một số địa phương chỉ làm hình thức, đối phó theo kiểu phong trào.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Giám đốc về công nghệ chế biến thực phẩm, Tập đoàn Dabaco cho rằng: “Kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi chỉ dựa vào những đoàn kiểm tra đột xuất của các Bộ, ngành là chưa đủ. Ở đây qua hệ thống ngành dọc chuyên ngành là các Sở nông nghiệp ở địa phương phải kết hợp với ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo xuống huyện và mở rộng ra xuống cấp xã, phường, qua đó sẽ tăng tính hiệu quả trong phát hiện cơ sở hoặc hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm để xử lý, có như vậy mới ngăn chặn tận gốc vấn đề này”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi phân bố rộng khắp cả nước với nhiều cơ sở sản xuất khác nhau. Nếu như một vài doanh nghiệp hám lợi pha trộn chất cấm vào thức ăn bán cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sau đó tiêu thụ trên thị trường sẽ rất khó kiểm soát.
Theo ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, hoạt động kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi hiện nay mới tập trung chủ yếu về truy xuất, tố giác, xử phạt mà chưa quan tâm đúng mức đến khuyến cáo các mô hình và công bố các địa chỉ chăn nuôi, cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kể từ khi áp dụng Luật An toàn thực phẩm 2010, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của 3 Bộ. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, Bộ Y tế quản lý an toàn thực phẩm tại bàn ăn và Bộ Công thương quản lý khâu lưu thông.
Muốn đạt hiệu quả, các ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ, phát huy tính chủ động của ngành mình và tăng cường sự phối hợp chính quyền địa phương để giám sát, phát hiện cơ sở chăn nuôi không an toàn.
Việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản nói chung và chăn nuôi nói riêng đòi hỏi sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và ý thức của người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính. Không chỉ là những quyết tâm về hành chính hay hình sự trong kiểm soát, xử lý các vi phạm mà quan trọng hơn cả là tìm lời giải cho sinh kế bền vững của người chăn nuôi và thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng./.
Theo Minh Long/VOV.VN