Làng gốm Hương Canh ở Vĩnh Phúc là làng gốm cổ sành, có tuổi đời hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén... có độ bền cao, nhằm phục vụ những nhu cầu dân dã thiết yếu.
Làng gốm Hương Canh
"Ai về mua vại Hương Canh, Ai lên mình gửi cho anh với nàng" - câu thơ xưa chứng tỏ Làng gốm Hương Canh vốn đã nổi danh từ lâu đời. Dân gian còn truyền khẩu "sứ Móng Cái, vại Hương Canh", bởi gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị của những thứ đựng bên trong.
Hơn nữa, nếu dùng gốm Hương Canh để pha trà thì giữ được vị trà và nhiệt độ rất lâu; đựng rượu không giảm nồng độ, thậm chí càng để lâu thì rượu càng ngon; đựng hạt giống, hạt giống không bị ẩm mốc và bị trẩm, khi gieo trồng thì hầu hết nẩy mầm...
Do điều kiện thổ nhưỡng ở làng gốm Hương Canh chủ yếu là đất sét xanh, có nhiều "thịt" nên sản phẩm gốm khi ra lò rất cứng và có màu đặc trưng, khi gõ vào gốm còn phát ra tiếng kêu cang cang độc đáo. Tiếng lành đồn xa, các mặt hàng gốm Hương Canh được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt rộng rãi trên khắp cả nước.
Trong khoảng thời gian dài từ những năm 1950-1970, gốm Hương Canh đã gây được tiếng vang lớn trên thị trường gốm sứ, có lúc bà con làng gốm sản xuất không kịp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đây là dấu mốc một thời vàng son của làng gốm Hương Canh.
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, làng gốm Hương Canh đã không còn hưng thịnh như trước, tuy nhiên nghề gốm nơi đây vẫn giữ được những nét tinh túy xưa, một số nghệ nhân lâu năm vẫn miệt mài theo nghề và truyền lại cho thế hệ sau.
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng gốm Hương Canh vừa duy trì mặt hàng sản xuất truyền thống, vừa đổi mới đa dạng mẫu mã. Do vậy, gốm Hương Canh hiện nay còn cho ra lò các loại gốm xây dựng và gốm mỹ nghệ đẹp mắt.
Nghề gốm Hương Canh không bị mai một, tiếp tục “giữ lửa” thu hút lao động làm nghề, góp phần lưu giữ nghề truyền thống và ổn định đời sống người dân, trở thành điểm đến tham quan đậm đà bản sắc văn hóa của du lịch Vĩnh Phúc.
Du khách đến làng gốm Hương Canh không chỉ thấy gạch đất ngổn ngang như hồi nào, mà còn là đồ gốm mỹ nghệ, tranh, tượng, phù điêu... đậm hồn quê Đất Việt, lại được dịp tham gia vào việc chế tác, tạo dáng gốm thủ công thú vị .
ST