Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sông Lô đang tất bật với các hoạt động chuẩn bị từ sân lễ hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ cho lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn.
Theo tài liệu lịch sử còn lưu lại, Tháp Bình Sơn được xây dựng vào thế kỷ thứ XIV với nhiều nét độc đáo cả về kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng. Trước đây, Tháp có 15 tầng nhưng hiện chỉ còn 12 tầng. Tháp cao 14 thước 70, hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, và được xây từ 13.200 viên gạch nung. Phần ruột Tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân Tháp lên ngọn. Xung quanh Tháp được ốp một lớp gạch vuông, phủ kín thân Tháp. Mặt ngoài của lớp gạch ốp này được trang trí hoa văn phong phú mang đặc trưng của nghệ thuật thời Lý – Trần.
Ông Đặng Sỹ Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Sơn cho biết, trên thực tế, Tháp Bình Sơn đã có vài lần được cải tạo, nâng cấp. Lần gần đây nhất là vào giai đoạn 1972-1976 do Tháp sau khi bị ngập đã nghiêng. Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương, các chuyên gia đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ Tháp rồi đánh dấu thứ tự từng viên gạch, từng tầng, từng hướng. Trong quá trình tu bổ, gần 3 vạn viên gạch bị vỡ, bị nát, bị khuyết, bị lũ quét cuốn trôi đã được các kỹ thuật viên trường cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội thay thế bằng gạch nung của làng gốm Hương Canh. Tuy nhiên, trải qua thời gian, đến nay, tất cả các viên gạch được thay thế đều đã mốc, đen.
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa của Tháp, từ năm 2004 cùng với thành lập Ban quản lý di tích, thị trấn Tam Sơn đã đón sư cô Thích Nữ Bửu Đạo về trụ trì tại chùa Vĩnh Khánh nằm trong khuôn viên Tháp để trông coi, duy trì, bảo vệ các giá trị văn hóa, tin ngưỡng của nhân dân. Phấn khởi khi Tháp Bình Sơn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, sư cô Thích Nữ Bửu Đạo cho biết: Hơn 10 năm qua, Sư cô và các tăng ni, phật tử chùa Vĩnh Khánh luôn nỗ lực trông coi, bảo vệ nguyên trạng hiện vật, cảnh quan trong khuôn viên. Đồng thời từ nguồn kinh phí do các tập thể, cá nhân ủng hộ, nhà chùa đã xây mới Chính điện, nhà khách, nâng nền, trồng hoa, cây cảnh xây dựng tường rào xung quanh khuôn viên…
Cũng theo sư cô Thích Nữ Bửu Đạo, những năm gần đây, mỗi năm có từ 2.000-3.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan Tháp và lễ phật. Ngoài các du khách cũng có khá nhà nghiên cứu sử học đến nghiên cứu về Tháp. Họ đều trầm trồ cho rằng đây là kiến trúc độc đáo, không chỉ có giá trị về nghệ thuật mà còn có giá trị mỹ thuật cao. Đặc biệt, Tháp Bình Sơn là một trong 5 tháp quý có ảnh hưởng lớn nhất đến Phật giáo của Việt Nam có hoa văn độc đáo.
Để chuẩn bị cho lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và phục vụ du khách đến tham quan, lễ Phật vào đầu Xuân mới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Sông Lô, trước Tết nguyên đán Bính Thân, thị trấn Tam Sơn đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để cải tạo, xây mới một số công trình phục vụ cho lễ phật như: lát gạch dưới chân tháp, sân lễ hội, đường vào, bãi gửi xe, bậc lên xuống, hàng rào bảo vệ…Cùng với đó, phối hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sông Lô tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng. Theo thông tin từ UBND thị trấn, đến thời điểm nay, địa phương cơ bản hoàn thành các khâu chuẩn bị cho buổi Lễ đón nhận Bằng công nhận sẽ diễn ra vào tối 14/3 tới.
ST